Saturday, April 29, 2017


HÀ NỘI PHỐ
 
Tôi thấy người Việt thích nghe thích hát những bản ca buồn... có lẽ cái tâm tư này đã ám ảnh đến cả hồn thiêng đất nước, và giờ này cái ám ảnh đó đang trở thành sự thật... mất nhà mất người yêu mất con mất nước... mất hết, cả tâm hồn cũng đang nát thành từng mảnh !! Đến nỗi cái buồn đã trở thành cái nền trong cuộc sống. Nỗi buồn này cứ bao phủ không gian mỗi lần nghe các ca sĩ trong các buổi họp mặt nơi đất khách quê người. Cả những giòng thơ cũng không thoát khỏi cảnh bi thương. Giới trẻ cũng đang lọt dần vào ngõ hẹp Nên tìm cách nào khuấy động lòng người

Trong dịp đi Cruise Panama vừa qua. Suốt hơn 3 tuần ăn uống mệt nghỉ, xem Sô ảo thuật với ca hát, buổi tối lại được ngồi chung bàn ăn tiệc có bồi bàn đàng hoàng, có hôm hứng lại chia tiền gọi 2 chai vang chúc nhau sức khoẻ... Có hôm xem một tay Canada gốc Ý, chắc thế, trình diễn Piano sôi động với động tác như nhảy múa, bàn tay có lúc quay ra sau lưng bấm phím đàn thoăn thoắt..., mấy ông khi ngồi bàn ăn tối vẫn như bị hớp hồn bình luận.... than thở về trình độ âm nhạc VN như Thuý Nga Paris (hay bị chửi nhất... thì phê bình vô hại) là vất đi... Miên man bàn luận... về âm nhạc trong nước lại quá kém, sau năm 75 chẳng có sáng tác nào ra hồn, một ông sính tình ngâm nga....  tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu... (sáng tác của Anh Bằng).
Một ông khác, thỉnh thoảng trong những buổi Ca ra ô kê hay hát bài tủ "em ối, Hà Nội phố", chậm rãi ngẫm nghĩ... phán...cho công bằng thì cũng có một vài tay như Phú Quang cũng khá... như lời trong bài Em ơi, Hà Nội Phố... kỳ ảo lắm, như ngậm ngùi sự sống (mùi hoa sữa, tượng hình bầu sưa mẹ?) mong manh... chầm chậm điểm mặt... như.... ta còn em... một gốc cây... một con đường vắng... một cánh cửa sắt... chầm chậm vẫn dẫn ta về ký ức xưa?.

Ông có đưa ra vài ví dụ, nhưng tôi không phải dân sinh đẻ ở HN nên chỉ ậm ừ. 
Sau chuyến du lịch, mới gu gô tìm hiểu. Thì ra bản nhạc này, phổ từ thơ của Phan Vũ.
Bài thơ là của Phan Vũ viết vào tháng 12 năm 72, lúc HN đang khi ....bị trải thảm bom nhưng không diễn tả sự tàn phá hoặc kinh hoàng của bom rơi đạn nổ...  mà (nhiều người nghĩ) chỉ là sự thách thức... cứ thả bom đi, chẳng diệt được tất cả... vì ta vẫn còn em.


Phan Vũ... thì giải thích, bài thơ chẳng ý gì thách thức mà chỉ góp nhặt của những câu "niệm chú" để tự trấn an mình khi ấy. Ông nói:
"Tháng chạp năm 1972, khi B-52 của Mỹ bắn phá thủ đô với lời hăm he “đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá!”, tôi khởi viết những câu đầu tiên: Em ơi, Hà Nội phố... Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa... Điệp từ Ta còn em, ta còn em... được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. Có người nghĩ điệp từ này có ý nghĩa thách thức với lời hăm dọa của ông Nixon. Tôi không có ý đó, chỉ thấy lòng mình chùng xuống vì âu lo trước cảnh tượng đất đai Hà Nội bị bom đạn cày xới và máu người Hà Nội đổ trên phố phường nên đọc một câu “niệm chú” để tự trấn an. Ta còn em... là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa.....".
Bài thơ này được biết, nhờ qua tài phổ nhạc của Phú Quang....
Và qua giọng hát của Lệ Thu, lần đầu tiên....
https://www.youtube.com/watch?v=Umj6LTbTYdE

Rồi người nghe, mỗi người một ngấm, nên tự mỗi người sáng tác khác nhau mà tán thưởng. Từ một kỷ niệm chiến tranh (ít ai biết) lại biến thành một kỷ niệm êm đềm (người nghe thường nghĩ?).
Xin chuyển, LVK
Phú Quang

HÀ NỘI PHỐ/ PHAN VŨ
Gửi tặng những người con Hà Nội.
Mấy năm trước, tôi được người bạn gửi cho bản đầy đủ của “Hà Nội phố”.
Thật bất ngờ, theo lời kể của bạn, bản đầy đủ của trường ca Hà Nội phố được vô tình tìm thấy trong một cuốn album cũ. Điều thú vị là bài thơ hay nhất viết về Hà Nội lại không tìm được ở Hà Nội.
Mặc dù “Hà Nội phố” từng tồn tại nhiều dị bản, nhưng câu trả lời của người đi tìm vẫn chỉ là: chẳng ở đâu có bản đầy đủ của bài thơ này, thậm chí còn không tìm được một xuất bản phẩm nào từng nhắc đến tên. Tất cả những gì tìm thấy chỉ là một vài tác phẩm kịch của Phan Vũ từ những năm 50.
Thế rồi, Hà Nội phố lại vô tình được tìm thấy ở Paris, cách Hà Nội của Phan Vũ tới nửa vòng trái đất
.


Chương I
1.
Em ơi! Hà Nội phố!
Ta còn em mùi hoàng lan,
Còn em hoa sữa.
Tiếng giày gọi đường khuya,
Thang gác cọt kẹt thời gian,
Thân gỗ...
Ta còn em màu xanh thật đêm,
Ngôi sao lẻ
Xào xạc chùm cây gió.
Chiếc lá lạc vào căn xép nhỏ,
Lá thư quên địa chỉ.
Quay về...

2.
Ta còn em một gốc cây,
Một cột đèn,
Ai đó chờ ai?
Tóc cắt ngang xoa xõa bờ vai...
Ta còn em một ngã ba
Vội vã,
Chiếc khăn quàng tím đỏ
Thoáng qua.
Khuôn mặt chưa quen
Bỗng xôn xao nỗi khổ...
Mỗi góc phố
Một trang tình sử...
3.
Ta còn em con đường vắng
Rì rào cơn mưa nhỏ.
Trên vòm cao
Đổ xuống chuông hồi.
Nhà thờ Cửa Bắc,
Tan chiều lễ
Kinh cầu còn mãi ngân nga...

4.
Ta còn em đôi mắt buồn
Dõi cánh chim xa.
Tháng năm dừng lại
Một ngôi nhà.
Ngã Trương Chi ôm ghita,
Từng đêm
Hóa đá...

Ta còn em chuyến tàu đêm
Về muộn
Qua cầu,
Một người nào lạc giữa sân ga...

Chương II
5.
Em ơi! Hà Nội phố!
Ta còn em những hố sâu
Trước cửa,
Cơn mưa đầy,
Chiếc thuyền giấy lang thang
Không bến đỗ...

Ta còn em quả bóng lăn
Một mình trên sân cỏ.
Thằng bé thẫn thờ.
Tuổi thơ qua cuộc chơi
Vội vã...

Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở.
Nhà ai?
Qua đó bâng khuâng
Nhớ tuổi học trò...

 


6.
Ta còn em giàn thiên lý,
Năm xưa
Thơm mùi hò hẹn
Cuộc tình đầu ngọt lịm.
Những nụ hôn xanh ngắt trên cành...
Ta còn em chuỗi cười vừa dứt,
Nắng chiều vàng ngọn cỏ
Vườn hoang
Ngày cũ vui tàn theo mùa hạ...
Ta còn em tiếng ghita
Bập bùng
Tự sự
Châm lửa điếu thuốc cuối cùng
Xập xòa
Kỷ niệm
Đêm kinh kỳ một thuở
Xanh lơ...

7.
Ta còn em chiếc đồng hồ quả lắc
Già nua,
Đếm thời gian
Theo nhịp đong đưa.
Trước ngơ phố
Sót cây hoa gạo.
Buổi chợ chiều họp giữa kinh đô...

8.
Ta còn em những ngọn đèn mờ.
Trên nóc phố,
Mùa trăng không tỏ.
Tiếng rao đêm
Lạc giọng
Thờ ơ...
Ta còn em bảy nốt cù cưa,
Lão Mozart hàng xóm
Từng đêm quên ngủ.
Cô gái mặc áo đỏ Venise
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Những mảnh vỡ trên thềm
Beethoven và Sonate Ánh Trăng
Nốt nhạc thiên tài bay lả tả,
Một kiếp người,
Một phím đàn long...

9.
Ta còn em khuya phố,
Mênh mông,
Vùng sáng nhỏ.
Bà quán ê a chuyện nàng Kiều.
Rượu làng Vân lung linh men ngọt.
Mắt cô nàng lúng liếng đong đưa,
Những chàng trai say suốt cả mùa...

10.
Ta còn em tiếng hằng ngày
Vang âm đường phố.
Tia hồ quang chớp xanh.
Toa xe điện cuối ngày,
Người soát vé
Áo bành tô cũ nát...
Lanh canh! Lanh canh!
Tiếng chuông reo hay lời kêu khổ?
Bó gạo, mớ rau,
Mẹ về buổi chợ.
Lanh canh! Lanh canh!
Lá bánh, củ khoai,
Đàn con trên bến đợi
Cuối ngày...

Chương III
11.
Em ơi! Hà Nội phố!
Ta còn em con đê lộng gió,
Dòng sông chảy mang theo hình phố,
Cô gái dựa lưng bên gốc me già.
Ngọn đèn đường lặng thinh
Soi bờ đá...

Ta còn em một con tàu
Giã biệt bến sông.
Mảnh trăng vỡ
Tiễn người bỏ xứ.
Dãy phố buồn...
Nghìn năm mắt nhớ...

12.
Ta còn em ráng đỏ chiều hôm,
Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ.
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá.
Gã đầu trần đi ngược trời mưa...

Ta còn em con đường tên cũ
Cổ Ngư,
Cành phượng vĩ la đà.
Chiều phai nắng,
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa...
Ta còn em chiếc lá rụng
Khởi đầu nguồn gió.
Lao xao con sóng biếc
Gió Tây Hồ.
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ?
Những bước chân tìm nhau
Rất vội,
Tiếng thì thầm sớm hôm buổi tối,
Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang...

13.
Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm
Thoáng mùi sen nở muộn.
Gió Nhật Tân
Gợi
Mùa hoa năm ấy
Cánh đào phai...

14.
Ta còn em chiếc lá bàng đầu tiên
Nhuộm đỏ.
Cô gái gặp nắng hanh
Chợt hồng đôi má.
Cơn mưa nào đi nhanh qua phố,
Một chút xanh hơn,
Trời Hà Nội hôm qua...

Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu qua cổng chợ.
Những chùm hoa tím
Ngát mùa thu...

Chương IV
15.
Em ơi! Hà Nội phố!
Ta còn em một Hàng Đào,
Không bán đào.
Một Hàng Bạc,
Không còn thợ bạc.
Đường Trường Thi,
Không chõng, không lều
Không ông nghè bái tổ vinh quy...
Ta còn em tiếng gọi trong đêm,
Người đi xa trở về.
Căn nhà không biển số.
Ngày đi mỏi mòn nỗi nhớ.
Ngày về phố cũ quên tên...

16.
Ta còn em chiếc xe hoa
Qua hàng liễu rủ,
Giỏ phong lan,
Điệp vàng rực rỡ.
Cánh tay trần trên gác cao khép cửa.
Những gót son dập dìu đại lộ.
Bờ môi ai đậm đỏ bích đào...
Ta còn em tà áo nhung huyết dụ.
Đất nghìn năm còn măi dáng kiêu sa,
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa.
Ngõ phố nào in dấu hài hoa...?

17.
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cổ.
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.
Ai đó ngồi bên gốc đại,
Chợt quên ai kia bên đường đứng đợi.
Cuộc đời, có lẽ nào,
Là một thoáng bâng quơ...

Ta còn em những cuộc tình
Như một bài thơ.
Những nỗi đau gặm mòn phận số.
Nhật ký sang trang
Ghi thêm nỗi khổ...

18.
Ta còn em đống kim ngân
Đổ đầy Hàng Mă.
Ngựa, xe, võng, lọng,
Những hình nhân nuối tiếc vàng son.
Khi phố phường là miền loạn gió
Làm sao tìm được mớ tro than...?

 

19.
Ta còn em nóc phố
Lô xô,
Màu ngói cũ
Ngôi nhà còn tiếng khóc oa oa.
Con đường đá lát bao niên kỷ?
Qua sông nhớ Mẹ tuổi già...

Chương V
20.
Em ơi! Hà Nội phố!
Ta còn em mảnh đại bác
Ghim trên thành cũ.
Một thời thịnh,
Một thời suy,
Hưng vong lẽ thường.
Người qua đó,
Hững hờ bài học sử...

Ta còn em dãy bia đá
Nhân hình hội tụ.
Rêu phong gìn giữ nét tài hoa.
Ly rượu đầy xin rót cúng Cha.
Nghìn lạy cúi đầu thương đất Tổ.
Bến nước nào đă neo thuyền ngự?
Đám mây nào in bóng rồng bay...?

21.
Ta còn em tháng Chạp,
Những hàng cây óng ả sợi hồng
Tháng Chạp,
Trên giường trải chiếu hoa
Tháng Chạp,
Mùi hương dài theo phố.
Một tháng Chạp
Mẹ
Nửa đêm thức
Hóa vàng...

Chương VI
22.
Em ơi! Hà Nội phố!
Ta còn em năm cửa ô
Năm cửa gió
Cơn bão thường niên qua đó
Ba mươi sáu phố,
Bao nhiêu mảnh vỡ?
Ta còn em một màu xanh thời gian.
Một màu xám hư vô,
Chợt nhòe,
Chợt hiện.
Chợt lung linh ngọn nến,
Chợt mong manh
Một dáng,
Một hình,
Nhợt nhạt vàng son,
Đậm đầy cay đắng...

23.
Ta còn em những ngõ cụt bất ngờ,
Ô cửa ngẩn ngơ,
Ngôi nhà không người ở,
Khung trời của nỗi buồn
Vô cớ...
Người nghệ sĩ lang thang
Hoài,
Trên phố,
Bơ vơ
Không nhớ nổi con đường.
Tha hương ngay trước cổng nhà Mẹ Cha...

24.
Ta còn em những giọt sương,
Nhòe nhòe bóng điện.
Mặt nước Hồ Gươm,
Một đêm trở lạnh.
Tháp Rùa ngả bóng lung linh.
Cánh nhạn chao nghiêng,
Chiều cuối
Người ra đi mang theo buốt giá,
Áo choàng không ấm thân gầy,
Cầm bằng như cánh chim bay...

Chương VII
25.
Em ơi! Hà Nội phố!
Ta còn em cây bàng
Mồ côi mùa đông.
Ta còn em nóc phố
Mồ côi mùa đông.
Ta còn em mảnh trăng
Mồ côi mùa đông...

Ai đi xa thêm nhớ da diết ... Hà Nội ơi!

Friday, April 28, 2017


EM TÔI
PHAN NHẬT NAM

Truyện thật 100%

Năm em lên ba, bố tôi bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ lên đường tập kết.
Tôi hơn em sáu tuổi. Chín tuổi con nhà nghèo khôn lắm, tôi đủ khôn để thấy khuôn mặt mẹ buồn hiu hắt, những tiếng thở dài và những giọt nước mắt âm thầm của mẹ trong đêm. Chín tuổi, tôi đã biết mình là người nam độc nhất trong gia đình, đã biết ẵm bồng đút cơm cho em và vỗ về em mỗi khi em khóc. Chín tuổi, tôi đã biết tắm rửa, thay áo thay quần cho em, cõng em đi chơi và dỗ cho em ngủ. Mỗi ngày, trời sập tối mẹ mới gánh hàng về, ba mẹ con ngồi ăn cơm bên ngọn đèn dầu, tôi và em hỏi han, an ủi mẹ. Mẹ kể cho chúng tôi nghe chuyện chợ búa như đang nói chuyện với người lớn, tôi ngồi nghe, nhìn đôi vai gầy của mẹ, nhìn mái tóc và đôi bàn tay khô của mẹ, mà thấy thương mẹ vô cùng.

Tôi phải bỏ học ở nhà hai năm để trông chừng em. Mẹ có một sạp bán rau cải ở chợ Cồn. Gọi là sạp chứ thực ra chỉ là một ô đất nhỏ, sáng mẹ ra đi thật sớm, lúc trời còn mờ sương, buổi trưa mẹ về nhà lo cho chúng tôi ăn, nằm nghỉ ít phút rồi trở dậy sửa soạn cho chuyến chợ chiều. Một tuần bảy ngày, mẹ đi đi về về trong nỗi cô đơn.

Năm em vừa tròn năm tuổi thì mẹ cho em vào mẫu giáo, tôi cũng trở lại trường, đám bạn cũ của tôi nay đã hơn tôi hai lớp, ngồi xung quanh tôi bây giờ là những khuôn mặt lạ, kém tôi hai, ba tuổi. Tôi là học trò lớn nhất và học khá nên được làm trưởng lớp. Gần cuối năm học lớp nhì, tôi nói với mẹ lên xin thầy Hiệu Trưởng cho tôi được thi nhảy tiểu học. Thầy bằng lòng. Tôi cắm cúi học luyện thi và kết qủa là tôi đã đổ được bằng tiểu học năm đó.

Vào lớp đệ thất trường Phan Châu Trinh, tôi tiếp tục học ngày, học đêm, năm đệ ngũ tôi thi nhảy một lần nữa lấy bằng Trung học. Đến niên học đệ tam thì tôi đã bắt kịp đám bạn cũ, tôi hân hoan nhập bầy chung với đám bạn ngày xưa. Đây là giai đoạn mà tôi cần tiền để mua sách học và may thêm quần áo, thời tiểu học và trung học đệ nhất cấp thì mặc sao cũng được, nhưng bây giờ đã lên đệ nhị cấp rồi, đã bắt đầu biết đỏ mặt khi nhìn những đứa con gái trường nữ, thỉnh thoảng đã biết theo bạn tập uống cafe, phì phà điếu thuốc. Tiền mẹ cho không đủ, tôi bắt đầu công việc kèm trẻ tư gia để kiếm thêm tiền. Học trò của tôi là mấy cô cậu đệ thất đệ lục, nghĩa là cũng chỉ thua tôi vài tuổi.

Ba mẹ con tôi vẫn ngày ngày đi về căn nhà nhỏ, căn nhà vẫn không thay đổi một chút nào từ ngày bố bỏ mấy mẹ con để ra đi .

Hết năm đệ tam, tôi nộp đơn thi Tú Tài phần nhất. Tôi đậu bình thứ. Một lần nữa, mọi người ngạc nhiên, nhưng tôi biết sức học của mình, tôi biết mẹ buôn bán tảo tần, tôi thấy những năm tháng gần đây mẹ trở bệnh hoài, mỗi sáng mẹ lục đục dậy thật sớm nấu cơm để dành cho anh em tôi, rồi lặng lẽ mang đôi quang gánh lên vai, những tối ngồi trầm ngâm bên ánh đèn dầu nhìn anh em tôi học bài và những đêm khuya mẹ trở mình húng hắng ho. Tôi thương mẹ và em đến ứa nước mắt, và càng thương mẹ thương em, tôi càng học như điên, như cuồng. Tôi ước gì Bộ Giáo dục cho tôi thi hai bằng tú tài cùng một lúc. Nhìn mái tóc mẹ đã lớm chớm sợi bạc, nhìn lưng mẹ mỗi ngày mỗi như còng xuống, nhìn hai vai gầy của mẹ mà lòng quặn đau, và cứ thế, tôi vùi đầu vào sách vở...

Em đã bắt đầu tuổi lớn, đã bắt đầu tuổi mộng mơ con gái, đã bắt đầu bước vào "tuổi ngọc", nhưng tội nghiệp, biết nhà mình nghèo, biết mẹ mình buôn thúng bán bưng, biết anh mình vẫn chiều chiều đi kèm trẻ kiếm thêm tiền và cặm cụi học đốt giai đoạn cho chóng thành tài. Biết thế nên em ít khi nào xin mẹ, xin anh tiền may áo mới, hai chiếc áo dài trắng đủ cho em thay đổi. Em lớn lên thiếu tình của bố, nên tôi "quyền huynh thế phụ". Nhiều lúc nhìn mẹ, nhìn em, tôi vẫn không hiểu tại sao bố lại đành đoạn dứt áo ra đi.

Tôi thi đỗ Tú Tài toàn phần năm 18 tuổi, và ra Huế học Đại học Văn khoa. Mẹ ở một mình với em ở Đà Nẵng. Mỗi cuối tuần, tôi theo xe đò về thăm mẹ và em, đến sáng thứ hai trở lại trường. Ở Huế, tôi tiếp tục công việc kèm trẻ tư gia. Với số tiền nhỏ nhoi kiếm được, tôi phụ mẹ nuôi em.

Qua sinh nhật thứ 13 của em mấy tháng, một chiều mẹ bỏ buổi chợ, về nhà than nhức đầu, tưởng là cảm nhẹ, mẹ sai em cạo gió và nấu cho mẹ bát cháo hành. Khuya đó mẹ lên cơn sốt, lảm nhảm nói mê, sáng hôm sau em nghỉ học chở mẹ vào nhà thương và nhờ người nhắn tin ra cho tôi ở Huế.

Lật đật trở vào Đà Nẵng bằng chuyến xe đò chót. Trời tối đã lâu, không kịp ăn uống, từ bến xe tôi đi thẳng đến bệnh viện. Trong căn phòng nhỏ, dưới ánh đèn vàng mờ đục, mẹ nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, còn em đang ngồi ngủ gà ngủ gật cạnh giường. Đứng yên lặng nhìn mẹ xanh xao bất động, và khuôn mặt thơ dại của em, trong giấc ngủ hai khóe mắt vẫn còn long lanh giọt lệ, tôi nghe lòng mình quặn thắt.

Đánh thức em dậy, em ngơ ngác dụi mắt vài giây. Nhận ra tôi, em nhào tới ôm chầm và òa lên khóc, em cho hay là từ lúc đưa mẹ vào đây, mẹ chỉ tỉnh lại một vài phút vào khoảng giữa trưa, sau đó mẹ hôn mê trở lại. Tôi an ủi em, rồi cùng em ra văn phòng bệnh viện. Cô y tá trực cho hay mẹ bị đứt một tĩnh mạch ở đầu. Tôi bàng hoàng như bị ai nện một nhát búa vào ngực. Cô y tá bùi ngùi nhìn em, đôi mắt xót xa.

Tối đó, anh em tôi cùng ở lại với mẹ, em mệt mỏi, nên chỉ một thoáng là đã ngủ say. Trong giấc ngủ mệt nhọc, thỉnh thoảng em ú ớ mẹ ơi, mẹ ơi rồi nức lên mấy tiếng. Tôi nghe như dao cắt trong lòng. Suốt đêm không ngủ, tôi cứ ngồi nhìn mẹ nằm im lìm và bên chân mẹ em ngủ chập chờn. Tôi tự nhủ thầm với mình đừng khóc, đừng khóc .... nhưng sao nước mắt vẫn cứ trào ra, một tay ve vuốt bàn tay xanh xao của mẹ, một tay nắm lấy bàn tay nhỏ bé của em, tôi để mặc cho hai dòng nước mắt chảy nhạt nhòa trên má.

Mẹ thở hơi cuối cùng lúc năm giờ sáng, mẹ không tỉnh lại để trăn trối với hai con một lời gì. Mẹ đi trong yên lặng. Tôi nắm bàn tay mẹ và thấy tay mẹ lạnh dần. Tôi đánh thức em dậy. Hai anh em hôn lên trán mẹ giã từ. Em vuốt mắt mẹ. Mắt mẹ nhắm hờ. Em ôm chặt hai tay mẹ, ủ vào lòng mình miệng kêu lên nho nhỏ: mẹ ơi, mẹ ơi... Em khóc lặng lẽ, áp mình vào ngực mẹ nước mắt em tuôn ràn rụa làm ướt đẫm cả vạt áo me bạc màu. Những tiếng kêu nghẹn ngào của em như những viên đạn bắn thẳng vào tim, tôi ngồi bất động nhìn mẹ, nhìn em, lòng đau như muối xát. Tội nghiệp mẹ tôi, tội nghiệp em tôi. Em mới mười ba tuổi ...

Chôn mẹ xong, tôi bỏ học. Còn lòng dạ nào mà học nửa. Nhưng em thì phải trở lại trường.

Bán đi căn nhà nhỏ xiêu vẹo và gom tóm tất cả vốn liếng của mẹ để lại, tôi đưa hết số tiền cho mẹ của Minh, một người bạn thân tôi . Minh có Hân, cô em gái cùng tuổi , cùng lớp với em. Tôi gửi em đến đó ở và đi học với Hân, cũng may, bố mẹ Minh coi anh em tôi như con. Tôi dặn dò em đủ điều. Số tiền tôi gởi cho mẹ Minh đủ để trả tiền ăn ở của em trong hai ba năm. Tôi còn đưa thêm cho em một ít để em mua sách vở, may áo quần, tiêu vặt. Tôi ôm em và hứa với lòng, hứa với vong hồn mẹ là sẽ lo lắng, sẽ bảo bọc em cho đến trọn đời.

Tôi vào trường Võ Bị Đà Lạt năm 20 tuổi, lương sinh viên sĩ quan ít ỏi, tôi tiết kiệm không dám xài nhiều, để dành gởi về cho em mỗi tháng. Tôi dặn em viết thư mỗi tuần kể cho tôi nghe chuyện học hành. Tôi bắt em hứa là không bao giờ dấu tôi một điều gì dù nhỏ bé. Em ngoan ngoãn vâng lời. Mỗi năm tôi được về phép một lần, hai anh em quấn quýt không rời. Tôi đưa em đi thăm mẹ. Chúng tôi lặng yên cầm tay nhau quỳ bên mộ mẹ, nước mắt lưng tròng.

Em lớn lên và ngày càng giống mẹ. Cũng khuôn mặt và cái nhìn nhẫn nhục, cũng đôi mắt xa xăm buồn hiu hắt. Bình thường em rất ít nói, có lẽ không cha, mồ côi mẹ quá sớm và anh lại ở xa đã làm em rụt rè. Cũng may, bên cạnh em vẫn còn có Hân. Lễ mãn khóa của tôi, em và Hân cùng lên tham dự, lúc này, em đã thi đổ vào trường Sư Phạm Qui Nhơn, hai năm nửa em sẽ trở thành cô giáo, tôi hãnh diện giới thiệu em và Hân với các bạn mình. Nhìn dáng em thẹn thùng e ấp, tôi thấy lòng mình rạt rào thương em. Tôi thầm gọi mẹ, mẹ ơi, hai con của mẹ đã trưởng thành và đã nên người.

Ra trường, tôi chọn binh chủng nhảy dù, có lẽ cũng chỉ vì tôi thích màu mũ đỏ. Em vào học và ở nội trú trong trường sư phạm. Tôi thấy mình yên tâm hơn. Mỗi tháng, tôi vẫn gửi về cho em một nửa tiền lương lính của mình để trả tiền phòng, tiền ăn. Tôi biết con gái cần nhiều thứ hơn con trai, như áo quần, son phấn... Em vẫn viết thư cho tôi mỗi tuần như em đã làm trong mấy năm qua. Em kể chuyện học hành, chuyện bạn bè, em lo sợ là tôi đi tác chiến nhỡ có ngày bố con gặp nhau ở chiến trường, làm sao nhận ra nhau, em không nói thêm, nhưng tôi cũng hiểu, tên đạn vô tình, nếu nhỡ.

Hai năm em học Sư Phạm trôi qua thật nhanh. Em bây giờ đã là một cô giáo trẻ. Em được đổi về dạy tại một trường tiểu học gần thị xã Phan Rang. Em thuê nhà chung với hai cô giáo khác. Mỗi ngày ba cô giáo ngồi xe lam đi đến lớp, chiều về cả ba cùng quây quần nấu nướng. Em viết thư cho tôi và khoe có quen với Tuấn, một Sĩ quan Hải quân đồn trú ở Phan rang. Em khen Tuấn hiền lành, ít nói. Em kể thêm là Tuấn chỉ còn có mỗi một mẹ già.

Chiến tranh ngày thêm khốc liệt, đơn vị tôi hành quân liên miên, có khi cả năm chúng tôi mới được về hậu cứ một lần. Tôi bị thương hai lần trong cùng một năm. Tôi dấu em, không cho em biết sợ em lo lắng. Trong những tuần lễ nằm bệnh viện và ở hậu cứ dưỡng thương, tôi bắt đầu viết bài đăng trên các báo và tạp chí. Tôi kể lại những trận đụng độ kinh hoàng giữa đơn vị tôi và giặc Cộng, tôi kể lại những "kỳ tích " của bạn tôi, của Mễ, của Lô ....

Sau một lần bị thương nhẹ ở tay, tôi lấy mấy ngày phép ra Phan Rang thăm em. Em mừng rỡ ôm lấy anh, nhưng khi thấy cánh tay băng bột em xót xa bật khóc. Tôi an ủi em là biết đâu sau chuyến bị thương này tôi sẽ được về làm việc hậu cứ. Ngày hôm sau, nghe tin, Tuấn đến thăm. Thoạt nhìn, tôi đã có cảm tình với Tuấn, đúng như em nói, Tuấn trông rất hiền lành. Trong suốt tuần lễ ở Phan rang, em vẫn phải đi dạy, nhưng may là có Tuấn, mỗi ngày Tuấn tới chở tôi đi ăn sáng, trưa Tuấn và tôi lang thang ra chợ bạ gì ăn đó đợi giờ ba cô giáo đi dạy học về. Buổi tối, em đi ngủ sớm, Tuấn ngồi lại nói chuyện với tôi cho tới khuya. Bên ly cafe, tôi kể cho Tuấn nghe chuyện của mình. Những hình ảnh yêu dấu, xót xa như một cuộn phim củ quay chầm chậm. Tôi rưng rưng kể lại ngày mẹ mất. Tuấn lấy tay chùi mắt, trong đêm tối , tôi thấy mắt Tuấn long lanh ...

Bảy ngày phép cũng trôi nhanh. Tôi trở về Saigòn, lòng cảm thấy vui và nhẹ nhàng vì đã có dịp gặp Tuấn. Tôi tin Tuấn sẽ không làm khổ em. Ba tuần sau, tôi nhận được thư Tuấn, trong thư Tuấn kể về gia đình (mặc dù tôi đã nghe em kể trong các lá thư). Tuấn muốn tiến tới với em. Tuấn xin phép được đưa mẹ Tuấn đến gặp tôi. Tuấn hứa là sẽ săn sóc và thương yêu em. Đọc thư Tuấn tôi ứa nước mắt vì mừng. Mừng cho em may mắn không gặp những trắc trở trên đường tình ái, mừng cho em gặp được một người chồng hiền hậu. Tôi viết thư cho em và Tuấn, bảo hai em lo thế nào cho tiện, chỉ cố làm sao cho giản đơn vì cả hai đứa cùng nghèo.

Bốn tháng sau, Tuấn và em làm đám cưới, nhà gái ngoài tôi còn có thêm mấy thằng bạn trong đơn vị, ông hiệu trưởng, thầy cô giáo và rất đông học trò. Nhà trai ngoài mẹ Tuấn, mấy gia đình anh chị họ còn thêm một số bạn bè Hải quân cùng đơn vị. Nhìn em xúng xính trong bộ đồ cưới, tươi cười đứng bên cạnh Tuấn, tôi gọi thầm mẹ ơi, mẹ ơi, về đây dự đám cưới của em.
Tôi theo đơn vị lội thêm hai năm nửa ở vùng giới tuyến, thì "tai nạn" xảy ra. Trong một lúc nóng giận vì thấy ông xếp của mình sao ngu và bẩn quá, tôi không giữ được lời và đã xúc phạm đến ông, kết qủa là tôi bị đưa ra hội đồng kỷ luật và tống ra khỏi binh chủng nhảy dù.

Sau một thời gian ba chìm bảy nổi, tôi đổi về cục Tâm lý Chiến, thời gian này tôi đã khá nổi tiếng, những bút ký chiến trường về Tết Mậu Thân, Bình Long. An Lộc ... đã làm vinh danh binh chủng củ của tôi. Tôi được giải thưởng văn học với bút ký "Mùa Hè Đỏ Lửa". Tiền thưởng và tiền bán sách tôi gửi hết cho em. Tuấn và em dùng tiền này mua được một căn nhà nhỏ ở ngoại ô Phan rang, gần trường em dạy.

Mới ngày nào đó còn thẹn thùng nấp bên vai Tuấn mà bây giờ em đã mấy con. Mỗi dịp rảnh rỗi, tôi lại ra Phan rang ở chơi với em, với cháu. Tôi ôm cháu, hôn vào hai má phúng phính, hít vào phổi mùi thơm của trẻ thơ mà thấy lòng mình dịu lại, những cay đắng, cực nhọc của đời theo tiếng cười lanh lảnh giòn tan của cháu mà bay xa, bay xa. Tôi nhìn hai vợ chồng em, nhìn bầy cháu nhỏ lẫm chẫm quây quần bên chân mẹ mà lòng vừa vui mừng vừa hãnh diện. Tôi ao ước mẹ tôi nhìn thấy được cảnh này .

Biến cố tháng 4 /75 tới như một định mệnh oan nghiệt, cả Tuấn và tôi đều phải ra trình diện cải tạo. Em ở lại một mình với một bầy con nhỏ, đứa lớn nhất chưa đầy sáu tuổi và đứa nhỏ nhất còn nằm trong bụng mẹ. Trong trại, tôi cứ đứt ruột nghĩ về em và bầy cháu nhỏ. Mẹ của Tuấn đã quá già, làm sao lo phụ với em đây. Rồi em còn phải lo lắng về số phận chồng, số phận anh. Tôi quay quắt như ngồi trên đống lửa, tôi nghĩ đến lời hứa với vong hồn mẹ hôm nào mà lòng đau như xé, con đã thất hứa với mẹ, mẹ ơi, con đang ở đây tù tội thì làm sao lo được cho em ...

Năm 76 tôi bị đưa ra Bắc. Tôi mất liên lạc với em và Tuấn từ tháng 5/75. Làm sao em biết tôi ở đâu mà thư từ thăm gửi. Không biết em có biết Tuấn ở đâu không, trại tù mọc lên như nấm từ Nam ra Bắc. Hồi còn ở trong Nam, từ Trảng lớn, qua Suối máu, đâu đâu tôi cũng cố dò hỏi tin Tuấn nhưng vô hiệu. Tù nhân đông quá ...

Trại cải tạo Sơn La, sau đợt cho viết thư về gia đình đầu tiên, ba tháng sau tôi nhận được thư em. Thư em đến tay tôi vào giữa năm 77. Hơn 2 năm 1 tháng tôi mới nhìn lại nét chữ của em. Run run bóc thư, mắt tôi cay nồng, nhạt nhòa. Em cho hay là Tuấn đang cải tạo ở Long Thành, Tuấn có thư về và cho biết vẫn bình an, mẹ Tuấn dạo này yếu lắm vì cụ đã quá già, em vẫn đi dạy, hai cháu nhỏ ở nhà với bà nội, hai cháu lớn theo mẹ vào trường, em cho hay đứa con gái út em đặt tên Tâm, Trần thị Minh Tâm, cháu sinh ngày 12 tháng 9 năm 75, gần 4 tháng sau ngày bố cháu và bác cháu vào tù.

Gần cuối thư, em báo tin là bố còn sống và hồi đầu năm 76 có tìm đến gặp em, làm sao bố tìm ra địa chỉ thì em không biết, nhưng hôm ấy bố đến, bố tự giới thiệu tên mình. Em ngỡ ngàng, ngày bố ra đi em mới tròn ba tuổi, hơn hai mươi năm sau gặp lại làm sao em nhận được, bố xoa đầu đám cháu ngoại đang trố mắt nhìn người đàn ông lạ, bố hỏi về anh, về Tuấn, khi em hỏi lại bố là làm sao để biết anh và Tuấn đang bị giam giữ ở trại cải tạo nào, bố lắc đầu không nói gì. Bố cho hay là bố đang có gia đình ở Bắc, ngoài ấy bố có thêm hai trai và hai gái. Đứa trai lớn nhất thua em bốn tuổi.

Bố mang vào cho em hai mươi ký gạo và một chục cam. Bố ở chơi một ngày rồi trở về Hà nội. Lúc bố về em có tặng bố cái radio-cassette của anh cho ngày nào. Bố thích lắm, bố hứa sẽ đến thăm anh trong trại tù. Từ hồi trở ra Bắc dến giờ bố chưa liên lạc lại với em, và em cũng không có địa chỉ của bố ở ngoài ấy.

Tôi đọc thư lòng thấy phân vân, tôi cũng như em, không hình dung ra nổi bố tôi hình dáng mặt mũi ra sao, hai mươi mấy năm, tôi tưởng bố tôi đã chết.

Tháng 12 năm 77, tại trại cải tạo Sơn La, bố đến thăm tôi.

Đứng trong văn phòng viên sĩ quan trưởng trại một người đàn ông trung niên, tóc muối tiêu và gương mặt xương. Bộ áo quần dân sự khá thẳng thớm, và sự lễ phép của tên đại úy trưởng trại tiết lộ về địa vị không nhỏ của người này. Thấy tôi vào, viên trưởng trại quay qua nói nhỏ một câu gì đó rồi bước ra ngoài. Tôi im lặng đứng nhìn người đàn ông xa lạ.

Bố đến bắt tay tôi, tự xưng tên mình, bố gọi tôi bằng anh, bố kể là đã gặp em ở Phan rang, bố hỏi tôi học tập thế nào, bố không hề nhắc đến mẹ, có lẽ ông đã biết về cái chết của mẹ. Bố nói là có đọc văn tôi. Tôi ngồi yên nghe bố nói, sau cùng, bố đứng dậy, móc trong xách ra một gói nhỏ bảo đó là đường và thuốc lá, trao cho tôi, khuyên tôi cố gắng học tập tốt để sớm được khoan hồng. Tôi nhìn vào mắt bố, lòng thấy dửng dưng. Tôi bắt tay bố rồi về lại lán mình.

Đó, cuộc hội ngộ của bố con tôi sau hơn hai mươi năm là thế đấy. Chắc cuộc tái ngộ giữa bố với em cũng tẻ nhạt như thế. Có cái gì đó ngăn cách, có cái gì đó phân chia, có cái gì đó tôi không hiểu và không diễn tả được. Bây giờ tôi hiểu vì sao cái tin quan trọng đến thế mà em lại chỉ đề cập một cách ngắn ngủi ở cuối thư.

Lần đó là lần đầu và cũng là lần duy nhất tôi gặp bố trong suốt 13 năm lang thang trong các trại tù biệt giam miền Bắc.

Tháng 12/78, chuyển trại lên Yên Bái, tôi nhận thêm được hai lá thư của em, trong bức thư gần nhất, em viết vào tháng 8/78. Em cho hay tình trạng rất khó khăn, phụ cấp đi dạy không đủ nuôi một mẹ già và bốn con thơ, em đã bán lần mòn hết những đồ trang sức và luôn cả những đồ vật trong nhà. Em vẫn chưa đi thăm nuôi Tuấn được một lần nào. Không thể để bốn cháu nhỏ ở nhà cho bà nội vì cụ bây giờ đã quá yếu, mỗi buổi ăn, Uyên, cháu lớn phải đút cho bà. Ngoài ra, mỗi tối, từ lúc chạng vạng em và Hoàng, hai mẹ con phải ra đầu ngõ, ngồi bán bắp nướng đến khuya để kiếm thêm tiền đong gạo. Em than là dạo này mất ngủ, sức khỏe yếu lắm, em sợ nhỡ có mệnh hệ nào ...

Tôi thẫn thờ cả buổi vì bức thư em, ngày xưa tôi chỉ lo cho có mỗi mình em, còn bây giờ em phải lo cho bốn đứa con thơ và một mẹ già, kể luôn người chồng và ông anh đang tù tội là bảy, bảy cây thập giá đời đang đè nặng lên đôi vai gầy guộc, nhỏ bé của em. Tôi viết thư về an ủi, khuyên em cố gắng, tôi vỗ về em là có thể Tuấn sẽ được tha về sớm với em, với cháu, vì Tuấn đi hải quân và lon còn thấp, không có tội với cách mạng nhiều. Rồi tôi viết thêm cho em hai ba lá thư nửa mà vẫn không thấy hồi âm. Lòng tôi cồn cào, nóng như lửa đốt, những ngày dài tù tội, tôi không nghĩ đến cái đói, cái khổ của mình mà chỉ nghĩ đến em và mấy cháu, không biết giờ này, em và bốn cháu thơ dại đang có gì ăn ?

Tháng 6/79, một sáng trên đường lên rừng đốn nứa, tôi nghe loáng thoáng câu chuyện giữa các bạn tù. Họ nghe từ các bà vợ đi thăm nuôi kể lại, rằng ở Phan Rang có một chị có chồng đang đi cải tạo, chị chết đi, để lại bốn con thơ, đứa bé nhất mới lên ba, còn đứa lớn nhất chưa đầy chín tuổi . Tội nghiệp, họ hàng nội ngoại không có một ai. Tôi bỗng dưng thấy lạnh toát cả sống lưng, lại gần hỏi thêm thì người bạn tù cho hay là nghe nói chị ấy làm nghề cô giáo, có chồng sĩ quan hải quân đang đi tù cải tạo ở đâu đó trong Nam. Người chồng, trung úy hải quân trước cũng đóng ở Phan Rang. Trần Nguyên Tuấn, hải quân trung úy Trần nguyên Tuấn.

Tôi thấy đất trời đảo lộn, tôi thấy mặt trời nổ tung trong óc, tôi hụt hơi, miệng há hốc đứng như trời trồng giữa núi rừng Yên Bái, bên cạnh tôi tiếng người nói lao xao. Tôi không nghe gì hết, tai tôi lùng bùng, mắt tôi mờ đi, tôi đang nhìn thấy xác em nằm co quắp trên manh chiếu, bốn đứa cháu của tôi, cháu Minh Tâm chưa đầy ba tuổi đang lấy tay lay lay xác mẹ, cháu lớn Thu Uyên chưa đủ chín tuổi đang ôm chân mẹ khóc lóc ủ ê, hai đứa kia, Hoàng và Châu ngơ ngác đứng nhìn. Trời tháng 6 mùa hè Yên bái mà sao tôi thấy thân mình lạnh buốt. Tôi tê dại, tôi hóa đá, tôi không còn cảm xúc, tôi muốn hét lên cho tan vỡ cả vũ trụ này. Trong lung linh màu nắng vàng buổi trưa Yên Bái, tôi thấy bóng em nhập nhòa, chập chờn. Em của tôi, đứa em côi cút của tôi ...

Mũi súng AK thúc vào cạnh sườn, người vệ binh chắc cũng ngạc nhiên không hiểu sao bỗng dưng tôi đứng như trời trồng giữa lộ. Anh quắc mắt nhìn tôi dò hỏi, tôi không nói gì, im lặng nhập vào dòng tù. Nước mắt chảy dài trên hai má hóp, tôi bước đi như kẻ mộng du ...
P.N.N
Description: http://geo.yahoo.com/serv?s=97359714/grpId=16131890/grpspId=1705083764/msgId=55391/stime=1493241522

ĐỪNG HỎI NỮA CON ƠI !!!
Dũng Trung Kqd

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Sợ mai này các con hỏi cha ơi
Đi tắm biển sao phải mang hộ chiếu ?
Biển quê mình... cha nói đi... con không hiểu
Khi nhìn tấm bản đồ chó chết của Trung Hoa.
 
Con thả diều ở Vũng Tàu, Mũi Né, Lý sơn, Hoàng Sa, Trường Sa...
Người lớn đến cắt dây khi diều bay xa mém nước
Biển của mình trong xanh con muốn vẫy vùng mà chẳng được
Vì ra khơi là đi du lịch nước ngoài
.
Đời thật buồn khi ra biển ngắm ban mai
Chỉ thấy sóng giăng giăng hình băng đạn
Đám mây hiền lành cũng bốc mùi đại Hán
Đường lưỡi bò liếm láp biển bao la
 
Một ngày kia đọc "Nam Quốc Sơn Hà"
Chữ "Định phận" bị thay bằng "Cam phận"
Hình đất nước gầy nhom vì oán giận
Gánh mấy chữ vàng méo mó đứng chơi vơi
 
Muộn mất rồi Đừng hỏi nữa
Con ơi.
DKqđ 2012)
 
 
 
 

 

Thursday, April 27, 2017


KÝ ỨC THÁNG TƯ...
TCS

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Ta rạc lòng, phơi dưới nắng tháng tư
Buồn khóc chị ngày đi không nói trước
Nghẽn dòng sông khản lòng con Ô Thước
Đám cải mênh mông héo hắt trổ ngồng

Chị theo chồng đò lặng bóng người trông
Phượng cháy đỏ cả bờ sông hoài cổ
Hai mươi năm một mối tình loang lỗ
Muốn chôn vùi đau khổ để mà quên

Con đường nào từng kỷ niệm gọi tên
Chiều hắt gió trên triền con đê nhỏ
Ai nắm tay ai lối cỏ nghiêng bờ
Ai đợi chờ, ai viết vội vần thơ

Rồi bỡ ngỡ gấp buồm mui đuôi giấy
Thả bến sông xưa con nước dập dềnh
Tưởng đời thuyền mới mang phận lênh đênh
Như thân chị, lục bình trôi vô định

Hai mươi năm trái tim tìm thanh tịnh
Anh sồng nâu cô tịch gửi thân chùa
Mùa đi qua, rồi nối tiếp mấy mùa
Mỗi khi tiếng ve lùa trong góc lá

Chị lại xót xa nghịch cảnh chuyện mình
Một chuyện tình còn hồi thuở thư sinh
Từng đẹp nhất trong quãng đời thơ dại
Nay hạnh bên con phúc nghĩa với chồng

Thỉnh thoảng về chị ra đứng bến sông
Nhớ đò cũ người xưa và kỷ niệm
Chuyện ngày qua của một thời áo tím
Tháng tư ơi giờ xa cách nhịp cầu

Vọng trong đầu một dáng áo sồng nâu
Và chuông khánh ngân lầu vang ký ức
Trở lại chi đâu chỉ là vô thức
Soi dư âm đồng vọng tháng tư buồn.
T.C.S
03-04-15
 

 
SÀI GÒN THAY ĐỔI ĐỜI TÔI
NGUYỄN QUANG LẬP



Mãi tới 30.4.1975 tôi mới biết thế nào là ngày sinh nhật. Quê tôi người ta chỉ quan tâm tới ngày chết, ngày sinh nhật là cái gì rất phù phiếm. Từ thuở bé con đến năm 19 tuổi chẳng có ai nhắc tôi ngày sinh nhật, tôi cũng chẳng quan tâm. Đúng ngày “non sông thu về một mối” tôi đang học Bách khoa Hà Nội, cô giáo dạy toán xác suất đã cho hay đó cũng là sinh nhật của tôi. Tôi vui mừng đến độ muốn bay vào Sài Gòn ngay lập tức, để cùng Sài Gòn tận hưởng “Ngày trọng đại”.

Kẹt nỗi tôi đang học, ba tôi không cho đi. Sau ngày 30.4 cả nhà tôi đều vào Sài Gòn, trừ tôi. Ông bác của tôi dinh tê vào Sài Gòn năm 1953, làm ba tôi luôn ghi vào lý lịch của ông và các con ông hai chữ “đã chết”, giờ đây là triệu phú số một Sài Gòn. Ba tôi quá mừng vì ông bác tôi còn sống, mừng hơn nữa là “triệu phú số một Sài Gòn”. Ông bác tôi cũng mừng ba tôi hãy còn sống, mừng hơn nữa là “gia đình bảy đảng viên cộng sản”. Cuộc đoàn tụ vàng ròng và nước mắt: Ông bác tôi nhận nước mắt đoàn viên bảy đảng viên cộng sản, ba tôi nhận hơn hai chục cây vàng đem ra Bắc trả hết nợ nần còn xây được ngôi nhà ngói ba gian hai chái. Sự đổi đời kỳ diệu.

 Dù chưa được vào Sài Gòn nhưng tôi đã thấy Sài Gòn qua ba vật phẩm lạ lùng: đó là bút bi, mì tôm và cassette của thằng Minh cùng lớp, ba nó là nhà thơ Viễn Phương ở Sài Gòn gửi ra cho nó. Chúng tôi xúm lại quanh thằng Minh xem nó thao tác viết bút bi, hồi đó gọi là “bút nguyên tử”. Nó bấm đít bút cái tách, đầu bút nhô ra, và nó viết. Nét mực đều tăm tắp, không cần chấm mực không cần bơm mực, cứ thế là viết. Chúng tôi ai nấy há hốc mồm không thể tin nổi Sài Gòn lại có thể sản xuất được cái bút tài tình thế kia.

Tối hôm đó thằng Minh bóc gói mì tôm bỏ vào bát. Tưởng đó là lương khô chúng tôi không chú ý lắm. Khi thằng Minh đổ nước sôi vào bát, một mùi thơm rất lạ bốc lên, hết thảy chúng tôi đều nuốt nước bọt, đứa nào đứa nấy bỗng đói cồn cào. Thằng Minh túc tắc ăn, chúng tôi vừa nuốt nước bọt vừa cãi nhau. Không đứa nào tin Sài Gòn lại có thể sản xuất được đồ ăn cao cấp thế kia. Có đứa còn bảo đồ ăn đổ nước sôi vào là ăn được ngay, thơm ngon thế kia, chỉ dành cho các du hành gia vũ trụ, người thường không bao giờ có.
Thằng Minh khoe cái cassette ba nó gửi cho nó để nó học ngoại ngữ. Tới đây thì tôi bị sốc, không ngờ nhà nó giàu thế. Với tôi cassette là tài sản lớn, chỉ những người giàu mới có. Năm 1973 quê tôi lần đầu xuất hiện một cái cassette của một người du học Đông Đức trở về. Cả làng chạy đến xem máy ghi âm mà ai cũng đinh ninh đó là công cụ hoạt động tình báo, người thường không thể có. Suốt mấy ngày liền, dân làng tôi say sưa nói vào máy ghi âm rồi bật máy nghe tiếng của mình. Tôi cũng được nói vào máy ghi âm và thất vọng vô cùng không ngờ tiếng của tôi lại tệ đến thế. Một ngày tôi thấy tài sản lớn ấy trong tay một sinh viên, không còn tin vào mắt mình nữa. Thằng Minh nói, rẻ không à. Thứ này chỉ ghi âm, không có radio, giá hơn chục đồng thôi, bán đầy chợ Bến Thành. Không ai tin thằng Minh cả. Tôi bĩu môi nói rứa Sài Gòn là tây à? Thằng Minh tủm tỉm cười không nói gì, nó mở cassette, lần đầu tiên chúng tôi được nghe nhạc Sài Gòn, tất cả chết lặng trước giọng ca của Khánh Ly trong Sơn Ca số 7. Kết thúc Sơn Ca 7 thằng Hoan bỗng thở hắt một tiếng thật to và kêu lên, đúng là tây thật bay ơi!

Sài Gòn là tây, điều đó hấp dẫn tôi đến nỗi đêm nào tôi cũng mơ tới Sài Gon. Kỳ nghỉ hè năm sau, tháng 8.1976, tôi mới được vào Sài Gòn. Ba tôi vẫn bắt tôi không được đi đâu, “ở nhà học hành cho tử tế”, nhưng tôi đủ lớn để bác bỏ sự ngăn cấm của ông. Hơn nữa cô họ tôi rất yêu tôi, đã cho người ra Hà Nội đón tôi vào. Xe chạy ba ngày ba đêm tôi được gặp Sài Gòn.
Tôi sẽ không kể những gì lần đầu tôi thấy trong biệt thự của ông bác tôi, từ máy điều hòa, tủ lạnh, tivi tới xe máy, ô tô, cầu thang máy và bà giúp việc tuổi năm mươi một mực lễ phép gọi tôi bằng cậu. Ngay mấy cục đá lạnh cần lúc nào có ngay lúc đó cũng đã làm tôi thán phục lắm rồi.Thán phục chứ không ngạc nhiên, vì đó là nhà của ông triệu phú. Xin kể những gì buổi sáng đầu tiên tôi thực sự gặp gỡ Sài Gòn.
Khấp khởi và hồi hộp, rụt rè và cảnh giác tôi bước xuống lòng đường thành phố Sài Gòn và gặp ngay tiếng dạ ngọt như mía lùi của bà bán hàng tạp hóa đáng tuổi mạ tôi. Không nghĩ tiếng dạ ấy dành cho mình, tôi ngoảnh lại sau xem bà chủ dạ ai. Không có ai. Thì ra bà chủ dạ khách hàng, điều mà tôi chưa từng thấy. Quay lại thấy nụ cười bà chủ, nụ cười khá giả tạo. Cả tiếng dạ cũng giả tạo nhưng với tôi là trên cả tuyệt vời. Từ bé cho đến giờ tôi toàn thấy những bộ mặt lạnh lùng khinh khỉnh của các mậu dịch viên, luôn coi khách hàng như những kẻ làm phiền họ. Lâu ngày rồi chính khách hàng cũng tự thấy mình có lỗi và chịu ơn các mậu dịch viên. Nghe một tiếng dạ, thấy một nụ cười của các mậu dịch viên dù là giả tạo cũng là điều không tưởng, thậm chí là phi lí.
Tôi mua ba chục cái bút bi về làm quà cho bạn bè. Bà chủ lấy dây chun bó bút bi và cho vào túi nylon, chăm chút cẩn thận cứ như bà đang gói hàng cho bà chứ không phải cho tôi. Không một mậu dịch viên nào, cả những bà hàng xén quê tôi, phục vụ khách hàng được như thế, cái túi nylon gói hàng càng không thể có. Ai đòi hỏi khách hàng dây chun buộc hàng và túi nylon đựng hàng sẽ bắt gặp cái nhìn khinh bỉ, vì đó là đòi hỏi của một kẻ không hâm hấp cũng ngu xuẩn. Giờ đây bà chủ tạp hóa Sài Gòn làm điều đó hồn hậu như một niềm vui của chính bà, khiến tôi sửng sốt.

Cách đó chưa đầy một tuần, ở Hà Nội tôi đi sắp hàng mua thịt cho anh cả. Cô mậu dịch viên hất hàm hỏi tôi, hết thịt, có đổi thịt sang sườn không? Dù thấy cả một rổ thịt tươi dưới chân cô mậu dịch viên tôi vẫn đáp, dạ có! Tranh cãi với các mậu dịch viên là điều dại dột nhất trần đời. Cô mậu dịch viên ném miếng sườn heo cho tôi. Cô ném mạnh quá, miếng sườn văng vào tôi. Tất nhiên tôi không hề tức giận, tôi cảm ơn cô đã bán sườn cho tôi và vui mừng đã chụp được miếng sườn, không để nó rơi xuống đất. Kể vậy để biết vì sao bà chủ tạp hóa Sài Gòn đã làm tôi sửng sốt.
Rời quầy tạp hóa tôi tìm tới một quán cà phê vườn. Uống cà phê để biết, cũng là để ra dáng ta đây dân Sài Gòn. Ở Hà Nội tôi chỉ quen chè chén, không dám uống cà phê vì nó rất đắt. Tôi ngồi vắt chân chữ ngũ nhâm nhi cốc cà phê đen đá pha sẵn, hút điếu thuốc Captain, tự thấy mình lên hẳn mấy chân kính. Không may tôi vô ý quờ tay làm đổ vỡ ly cà phê. Biết mình sắp bị ăn chửi và phải đền tiền ly cà phê mặt cậu bé hai mươi tuổi đỏ lựng. Cô bé phục vụ chạy tới vội vã lau chùi, nhặt nhạnh mảnh vỡ thủy tinh với một thái độ như chính cô là người có lỗi. Cô thay cho tôi một ly cà phê mới nhẹ nhàng như một lẽ đương nhiên. Tôi thêm một lần sửng sốt.
Một giờ sau tôi quay về nhà ông bác, phát hiện sau nhà là một con hẻm đầy sách. Con hẻm ngắn, rộng rãi. Tôi không nhớ nó có tên đường hay không, chỉ nhớ rất nhiều cây cổ thụ tỏa bóng sum suê, hai vỉa hè đầy sách. Suốt buổi sáng hôm đó tôi tha thẩn ở đây. Quá nhiều sách hay, tôi không biết nên bỏ cuốn gì mua cuốn gì. Muốn mua hết phải chất đầy vài xe tải. Giữa hai vỉa hè mênh mông sách đó, có cả những cuốn sách Mác - Lê: cuốn Tư bản luận của Châu Tâm Luân và Hành trình trí thức của Karl Marx của Nguyễn Văn Trung cùng nhiều sách khác. Thoạt đầu tôi tưởng sách từ Hà Nội chuyển vào, sau mới biết sách của Sài Gòn xuất bản từ những năm sáu mươi. Tôi hỏi ông chủ bán sách, ở đây người ta cũng cho in sách Mác - Lê à? Ông chủ quán vui vẻ nói, dạ chú, sinh viên trong này học cả Mác - Lê. Tôi ngẩn ngơ cười không biết nói gì hơn.
Chuyện quá nhỏ, với nhiều người là không đáng kể, với tôi lúc đó thật khác thường, nếu không muốn nói thật lớn lao. Tôi không cắt nghĩa được đó là gì trong buổi sáng hôm ấy. Tôi còn ở lại Sài Gòn thêm 30 buổi sáng nữa, vẫn không cắt nghĩa được đó là gì. Nhưng khi quay ra Hà Nội tôi bỗng sống khác đi, nghĩ khác đi, đọc khác đi, nói khác đi. Bạn bè tôi ngày đó gọi tôi là thằng hâm, thằng lập dị. Tôi thì rất vui vì biết mình đã được giải phóng.
N.Q.L






Sunday, April 23, 2017


NỖI BUỒN CHIẾN THẮNG
TRẦN TRUNG ĐẠO

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Anh bước đi giữa trời đất Bắc
Hà Nội mưa phùn lạnh kẽ xương
Chiếc nạng gỗ khua từng tiếng nấc
Gõ nhịp thương đau xuống mặt đường

Như trụ đèn đêm không biết nói
Anh âm thầm đi giữa mùa xuân
Ðã cháy mộng vàng theo khói thuốc
Thời hoa niên xếp ở ven rừng

Những chiếc tượng đồng loang lổ máu
Khẩu hiệu mờ dấu vết thi đua:
"Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"
Anh cười, nước mắt chảy theo mưa

Tổ quốc bao năm rồi "thống nhất"
Anh về, đi giữa phố không quen
Hà Nội mang nỗi buồn chiến thắng
Thừa huy chương nhưng thiếu miếng ăn

Chiếc lá cuối mùa không chỗ rụng
Anh một đời thiếu chỗ dừng chân
Gánh nợ non sông đành gởi lại
Về đâu bốn phía gió mưa giăng

Dăm trẻ ăn mày ngơ ngác đứng
Tìm gì trong khoảng trống hôm nay
Hỡi em, cô gái quàng khăn đỏ
Lại gần anh nhận diện tương lai

Anh bước đi giữa trời đất Bắc
Mang niềm thương nỗi nhớ khôn nguôi
Máu và tim của hồn tổ quốc
Bốn nghìn năm chảy một dòng thôi

Quê anh đó phố phường Hà Nội
Lạnh lùng trong gió rét lê thê
Nhỏ nước mắt chào anh trở lại
Khóc một người con lạc lối về.

T.T.Đ

Saturday, April 22, 2017

CỐ HƯƠNG
QUAN DƯƠNG



Những đám mây đen từ phương Bắc
Kéo về phủ kín khắp trời Nam
Nả từng tia chớp vô thành phố
Đổ trút lên đầu mưa tang thương

Đàn chim sợ hãi bay ra biển
Rớt lại quê nhà trăm vết thương
Tiếng nấc bật kêu thành thảng thốt
Mỏi cánh bay tìm một quê hương

Kể từ đó điêu linh cuồn cuộn khói, tôi bán tháo thanh xuân lên rừng làm củi, chụm lửa nấu nồi canh giai cấp đỏ lòm, chan nghẹn ngào lên từng vắt cơm. Những củ khoai mì rượt bắt nhau mỗi sáng. Mưa bão gầm trời trút bao điều tức giận, tôi vẫn ngây thơ không hiểu mình đang mắc tội gì đây? Luật giang hồ muốn trả thì phải có vay, tôi không vay tại sao phải trả? Tự lừa dối mình bằng những câu định nghĩa, tôi sạch vốn đời mình lại thâm nợ đến đời sa . Má tôi già ngồi lết chợ quặn lòng đau, chắt từng đồng mua gạo lên rừng nuôi thằng con khờ khạo. Mưa trộn nhão những con đường đất đỏ, vác cuốc ra đồng chân đi chàng hảng như mắc tiêm la .

Ba mươi năm sau những con chim vượt biển ngày xưa , thời gian cũng nguôi ngoai niềm sợ sợ hãi . Mang đôi cánh mới những con chim quay trở lại. Có một con chim đến muộn không chịu nhập bầy, vì đôi cánh kia còn rũ rượi ướt đẩm mưa, vì nó tởn những đám mây đen từ phương Bắc

Bán nốt tuổi già trên đất khách
Tôi trồng xuống lỗ hạt tai ương
Thời gian mái tóc đen thành bạc
Hạt nứt trên cành trái cố hương
Q.D
 

 
THÁNG TƯ NHỚ NGUYÊN SA
Chuyện trò cùng NGA, buồn như con chó ốm
VŨ ĐÌNH TRỌNG

Mười chín năm qua, từ ngày nhà thơ Nguyên Sa qua đời (18 Tháng Tư 1998), những đóa cúc vàng trên mộ ông trong nghĩa trang ở thành phố Westminster vẫn vàng rực, nhờ sự chăm sóc ân cần từ người vợ thủy chung.
Vợ nhà thơ Nguyên Sa, bà Trịnh Thúy Nga, người đi vào cõi thơ Nguyên Sa với những câu mở đầu “tếu táo”: “Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm/Như con mèo ngái ngủ trên tay anh /Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình /Ðể anh giận sao chả là nước biển!…”


Trên đời, chắc chỉ có mình ông, nhà thơ Nguyên Sa, viết thư thông báo đám cưới của mình bằng thơ. Cũng chẳng có ai đặt tựa cho bài thơ báo hỷ “cộc lốc” như ông – chỉ vỏn vẹn một chữ “Nga,” tên người con gái ông lấy làm vợ.
Thế mà người ta nhớ! Có ai mà không nhớ thơ tình Nguyên Sa!
Và bà Nguyên Sa-Trịnh Thúy Nga, luôn nhớ một câu chuyện chẳng thể nào cũ.
Tháng Giêng Mai Thảo đã qua
Tháng Tư chợt nhớ Nguyên Sa, lại buồn.
(Thơ Ngọc Hoài Phương)
“Năm 1952, sau khi hồi cư về Hà Nội, tôi được gia đình cho sang Pháp du học cùng với người anh họ. Ông Lan (tên nhà thơ Nguyên Sa: Trần Bích Lan) qua trước hai năm. Ông thân sinh của ông ấy buôn bán lớn, sợ Việt Cộng làm phiền nên cho ba người con lớn sang Pháp du học. Tôi quen em gái ông ấy ở Paris, tình cờ đến nhà chơi nên quen ông.”
Quen nhau Tháng Mười Hai năm 1952, đến mùa Hè năm 1953, ông làm bài thơ tỏ tình tặng bà. Cho đến giờ, chưa ai biết nội dung bài thơ đó như thế nào, vì bà muốn giữ kín, cho riêng bà. Chỉ biết rằng, trái tim của cô nữ sinh tên Nga từ đó có một hình bóng, mà cô luôn trân trọng nhớ về, từ mùa Hè năm đó.
Bà hồi tưởng lại: “Hồi đó tôi còn trẻ, cũng chẳng suy nghĩ gì cả, chỉ lo học thi đậu xong rồi về. Phải lo học xong cho sớm chứ đời sống bên Pháp đắt đỏ lắm. Cũng trong năm 1953, cụ thân sinh ông Lan mất ở Hà Nội, ông ấy phải ngưng học, về nước để giúp đỡ gia đình. Lúc đó chúng tôi yêu nhau rồi, ông ấy cũng muốn dỗ dành tôi về Việt Nam chung, nhưng tôi còn ham học cao lên. Tuổi trẻ mà, ai cũng có giấc mơ lớn, và tôi cũng muốn thực hiện ước mơ của mình.”
Cuộc chia tay này là nguyên nhân bài thơ “Paris có gì lạ không em?” ra đời trong nỗi nhớ khắc khoải của ông.
“Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim

Paris có gì lạ không em?
Mai anh về mắt vẫn lánh đen
Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen?…”
Câu hỏi cuối ông gởi lại bà trong sự chờ đợi, thay cho câu hỏi “Em có bằng lòng làm vợ anh không?”Để rồi hai năm sau gặp lại nhau ở Paris, khi bà khẽ gật đầu ưng thuận “làm lá sen” suốt đời cho ông, thì ông mới viết bài thơ đính hôn thay cho thiệp báo hỷ gởi cho gia đình, bằng hữu, trong niềm vui sướng tột độ.
“Chúng mình lấy nhau
Cần gì phải ai hỏi…
Cả anh cũng không cần phải hỏi anh
‘Có bằng lòng lấy em?…’
Vì anh đã trả lời anh
Cũng như em trả lời em
Và cũng nghẹn ngào nước mắt!…”
(Nga – Nguyên Sa)
Bà Nga nhớ lại: “Sinh viên tụi tôi ở lại Pháp sau Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, gia đình lo tản cư vào Nam nên đâu có gởi tiền qua được. Chúng tôi ra Tòa Đốc Lý Paris ký giấy hôn thú, bạn bè theo đông lắm. Xong kéo nhau ra quán cà phê đối diện uống cà phê, ăn bánh. Bạn bè chung tiền trả tiền cho cô dâu, chú rể. Thế thôi.”


Đám cưới sinh viên Việt Nam nghèo ở kinh đô ánh sáng diễn ra như thế. Chú rể chẳng mặc lễ phục, cô dâu không có áo cưới, mà ngay cả nhẫn cưới họ cũng chẳng mua được. Nhưng có sao đâu, vì ông trao cho bà những thứ quý hơn nhẫn cưới.
“Người ta làm thế nào cấm được chúng mình yêu nhau
Nếu anh không có tiền mua nhẫn đeo tay
Anh sẽ hôn đền em
Và anh bảo em soi gương
Nhìn vết môi anh trên má
Môi anh tròn lắm cơ
Tròn hơn cả chữ O
Tròn hơn cả chiếc nhẫnTròn hơn cả hai chiếc
nhẫn đeo tay!…”
(Nga – Nguyên Sa)
***
Mười chín năm ông ra đi, chữ O tròn trên má vẫn chẳng phai nhòa, vì với bà, ông chẳng bao giờ đi xa cả, mà chỉ chuyển chỗ từ ngôi nhà ở thành phố Irvine đến nơi đầy nắng và gió ở thành phố Westminster.
“Đối với tôi thì lúc nào ông cũng quanh quẩn đâu đây, trong cái nhà này. Tôi ở trong nhà, hay đi bất cứ con đường nào, đều thấy hình bóng ông ở bên cạnh tôi hết.” Bà Nga nói.
Nhà thơ Ngọc Hoài Phương cho biết, lúc sinh thời Nguyên Sa rất thích hoa cúc vàng – như câu thơ trong bài “Áo lụa Hà Đông” của ông: Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc – nên bà Nga chỉ mang hoa cúc ra mộ ông thôi. “Nếu để ý sẽ thấy, hoa cúc vàng trên mộ nhà thơ Nguyên Sa không bao giờ tàn hay héo cả vì được bà Nga chăm sóc rất kỹ. Hoa sắp héo sẽ được bà thay bằng hoa mới.” Nhà thơ Ngọc Hoài Phương cho biết.
Hôm gặp bà ở mộ ông, bà cho hay: “Ông ấy không bao giờ nghĩ đến cái chết, hay mình được chôn cất ở đâu cả. Khi ông ấy mất, tôi ra đây xem rồi chọn cho ông chỗ này. Nó gần hồ nước, lại dưới một bóng cây. Lúc trước trông vắng vẻ, giờ trông ấm cúng vì chung quanh ông có rất nhiều bạn bè.”
“Hồi nhà tôi mới mất, ngày nào tôi cũng ra đây, sửa bông, cắt cỏ. Giờ thì lớn tuổi rồi, thì một tuần tôi ra thăm ông ấy 2 lần. Nhiều khi bực mình với ông ấy cũng ra đây nói cho ông ấy biết.”
“Hồi ông Lan còn sống, tôi rất ít tiếp xúc với bạn ông ấy lắm, nhưng từ hồi ông ra đây, tôi được gặp nhiều người thăm ông, an ủi nâng đỡ tôi. Tôi nhớ ông Đỗ Ngọc Yến (nhà báo, sáng lập nhật báo Người Việt), hồi đó, cứ có ai từ xa đến Little Saigon, muốn gặp tôi thì ông ấy cứ nói cứ ra thăm mộ Nguyên Sa thì gặp bà Nga. Cho nên ở đây tôi được gặp nhiều người lắm, kể cả bạn cũ ở Việt Nam sang chơi. Cuối năm còn có người hẹn tôi ra đây cho cá kho, dưa chua nữa.”
Điều trùng hợp là sự lựa chọn nơi yên nghỉ cho ông, lại chính là nơi ông từng mơ ước được về qua câu thơ của ông, được bà khắc trên mộ.
“Nằm chơi ở góc rừng này
Chưa thiên thu cũng đã đầy cỏ hoang
Xin em một sợi tóc vàng
Làm hoa khởi sự cho ngàn kiếp sau
Biết đâu thảo mộc bớt đau
Biết đâu có bản kinh cầu dâng lên?”
Và trong bài Tân Ước trong tập thơ cuối cùng, hình như lời “năn nỉ” của ông cũng được bà chiều theo.
“…Anh vẫn nhận ra em, em khác biệt mà vẫn đồng nhất, giấc mơ gián đoạn bao nhiêu, em vẫn trở lại, giấc mơ phi lý, em khắng khít bằng những liên tục vuốt ve, liên tục hiền dịu, liên tục chăm sóc. Em liên tục không gian em, liên tục luận lý em. Tân ước nói có thế giới ở ngoài thế giới, khác biệt và bao trùm thế giới. Em có phải là giấc mơ ở trong giấc mơ và phủ kín giấc mơ?”
Chẳng biết như thế nào, nhưng trong thế giới thật này, “Nga buồn như con chó ốm” tiếp tục dùng đôi tay “làm lá sen” phủ kín “hương cốm” Nguyên Sa cho đến tận cùng.
(Vũ Đình Trọng/Người Việt)

 

Friday, April 21, 2017


NHỮNG NGÀY THÁNG KHÔNG QUÊN

Nguyễn Khôi Việt

Ngày 24 tháng 4
Buổi sáng, trời còn tối đen đã ba lô súng đạn lên GMC đi về hướng Trảng Bàng, Tây Ninh, nửa đường nghe pháo 130 ly nổ dọc theo quốc lộ, nó bắn để thị uy chứ xóm ấp hai bên đường đâu có đơn vị bạn nào ở đó, chỉ trúng sập nhà chết dân thôi.
Tiểu đoàn đổ quân xuống Lộc giang để giải toả xã này. Nếu không được thì thằng nằm ngoài trại Tân Hoà cạnh bờ sông đi đứt vì mấy ngày nay bị pháo dữ lắm. Thằng em cũ của mày đấy. Chắc mày mắc nợ nó. Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng nói.
Đoàn văn Tiến- Tiến râu - đại đội phó của tôi trước kia, bây giờ qua làm đại đội trưởng của tiểu đoàn khác, lòng vòng rồi cũng gặp nhau. Nó bị vây mấy ngày rồi. Pháo dữ lắm anh, anh không vô được chắc mấy thằng em bị thương hôm giờ chết hết quá. Quên nói nó cũng là anh em kết nghĩa với tôi. Dân Huế chính gốc, râu quai nón, uống rượu bằng tô. Ngang tàng không ai bằng.
Buổi chiều tối. Tiến quân qua cánh đồng ruộng khô bị khựng lại, liên đoàn báo xuống trên hướng tiến quân có đồn nghĩa quân bị đóng chốt ngay bên ngoài vòng rào, chỉ có hai ba chốt thôi nhưng mấy anh nghĩa quân chịu trận không ra được. Tiểu đoàn trưởng nói đào hố nằm. Đêm xuống, ông kêu bên trong đồn nằm yên không được nhúc nhích bắn chác gì hết. Ngoài này ông đích thân cầm ống dòm hồng ngoại tuyến chỉ huy trung đội thám báo bò vào đánh lựu đạn.

Ngày 25 tháng 4
Cả tiểu đoàn nằm lại bố trí chờ cho dân trong xã chạy ra, không nhiều lắm vì tụi nó kềm chế, không cho dân di tản. Nhưng vẫn phải chờ vì nếu vào sẽ đụng lớn, chỉ chết dân thôi. Lúc này pháo 130 li từ hướng Đức Huệ bên kia sông bắn qua, và từ Chà Rầy mật khu Bời Lời bắn tới. May sao từ sáng đến giờ chưa có em nào bị dính miểng. Pháo 130 li miểng nào miểng nấy bằng cái tô. Có điều họ cũng không bắn vào trong xã. Chắc tại họ đặt bộ chỉ huy trong đó, còn những đám chốt quanh làng bắn AT 3 và 82 không giật ra như mưa. ĐM...chắc hồi nào giờ tụi nó không được bắn. Lính chửi đổng. Từ đầu tháng đến giờ trời không mưa, nắng đổ lửa trên đầu.
Không có đường nào đánh ngang hông. Cả tiểu đoàn tiến theo hình chân chim vào mục tiêu.Pháo nhiều quá. Dễ chừng có đến ba vị trí pháo đang thả dàn bắn TOT( time on target) vào chúng tôi. Lên được chút nào thì đào hố nằm lại chịu. Hai cây 155 của sư đoàn 25 nằm ở sân banh gần thánh thất Cao Đài bị pháo trúng nổ tan tành, pháo 105 của quận Trảng Bàng cũng bị không khá gì hơn. Bây giờ chỉ còn đánh bằng hoả lực cơ hữu và tác chiến cá nhân mà thôi.

Ngày 26 tháng 4
Đào hố cá nhân nằm hai bên con đường, pháo bắn lai rai dọc theo đường và bìa xã sớm đến giờ. Bây giờ thiếu tá tiểu đoàn trưởng bận rôn với dàn hoả tiễn của "ngài" để phản pháo lại vị trí của mấy cây 130 li từ bên kia Vàm Cỏ Đông bắn qua. Hoả tiễn xin bên mấy xếp của Không quân. Phóng bằng ống phóng của trực thăng đặt trên xe Dodge. Hôm đóng quân trong nhà máy đường Hiệp Hoà năm trước, ông chỉ tấm bảng đồng ghi tên vài nhân viên của nhà máy gì đó trong nhà máy. Mày nhớ chỗ này nghe. Kiếm cho tao cái cưa sắt. Làm gì thiếu tá. Ăn trộm chứ làm gì mày. Đêm đó hai anh em ngồi cưa được một miếng lớn bằng hai bàn tay. Mấy hôm sau ngài ngồi hì hục mài đục dũa cả ngày. Sau đó ông hớn hở đưa tôi xem công trình hoàn tất là một bảng chia độ cái máy nhắm tự chế cho giàn phóng hoả tiễn của ông. Bắn xa vài cây số không biết sai lệch ra sao. Chứ lúc đánh "chốt" tầm xa 4,5 trăm thước bắn không trật chút nào.
Trong khi người dân chạy tán loạn từ Tây Ninh về Sài Gòn, thì em chạy ngược dòng người, một mình một xe lên kiếm chồng. Không biết sao cũng mò ra hậu trạm.
Trung uý Trình- đại đội trưởng Chỉ HuyCông Vụ chở em đến chỗ tôi đang bố trí quân. Đang pháo thế này mà chạy xe lạnh mỏ ác quá. Trình càu nhàu. Ông đặc biệt lắm thiếu tá mới để bà ấy vô chỗ này đó.
Nhảy xuống hố cá nhân ngồi nói chuyện trong lúc pháo rải rác khắp nơi, em nói: anh ơi về với em đi. Ở Sài Gòn người ta đi nhiều lắm.
Tôi chỉ cho em thấy 3 trung đội đang bố trí phía trước. Em nghĩ, anh là cái đầu mà dễ dàng bỏ đi vậy à. Em im lặng, nắm tay tôi. Buồn, lúc nào cũng mang vẻ chịu đựng.
Chở em ra ngoài quốc lộ 1, pháo 130 li của chúngnó vẫn bắn dọc theo hai bên đường. Lạ cái là xe đò vẫn chạy. Với dân mình, chiến tranh một lúc nào đó đã làm con người chai lì và cứng cỏi ít có người dân nước nào sánh kịp. Tôi đưa em lên xe. Vì không dám để em chạy Honda một mình trên đường với quá nhiều bất trắc. Chiếc xe sau này chuyển quân đi, phải gởi lại Tha La xóm đạo. Mất.

Ngày 27 tháng 4
Chiếm được mục tiêu hoàn toàn vào buổi chiều. Có một chiếc Tinh Long C119 yểm trợ rất chăm chỉ cần mẫn. Đào hố nằm nghỉ lại trong làng, bên cánh trái có tiểu đoàn 1/50 của sư đoàn 25. Cũng nhẹ bớt phần nào. Đi vòng quanh kiểm soát, thấy nhà cửa, dân chúng thật là bi thảm. Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng kêu tôi đi với ông ra bìa làng, trèo lên xà ngang của một căn nhà ngói lớn để trổ nóc nhà, quan sát mục tiêu để vào cứu "thằng em". Chắc tiền sát viên của họ trông thấy, nên bắn gần chục trái 130 li xung quanh. Hai anh em bị sức nổ ép rớt từ trính nhà xuống. Nằm một hồi mới lóp ngóp bò dậy được. Phước đức ông bà không bị sao cả.
Nhưng nỗi lo là làm sao vào cứu "thằng em"ra được. Từ bìa làng tới căn cứ đó là một cánh đồng ruộng khô rất lớn. Chạy hết tốc lực may ra tấp vào được mấy bờ đê. Còn không thì đưa lưng ra cho pháo chắc chết hết.
Rồi đến sẩm tối, sau cả ngày bò lăn, lê lết trên cánh đồng, rồi cũng đánh bật hết các chốt chung quanh căn cứ Tân Hoà, "bắt tay" được với thằng em bơ phờ râu ria hốc hác. Nó bị vây và pháo gần nửa tháng chứ ít gì. Anh biết không? Đất trong trại bị pháo riết rồi tơi như cát hết. Nó nói. Mừng cho nó là không có binh sĩ nào chết. Chỉ toàn bị thương. Không có chú nào bị nặng lắm. Nhưng cũng chở đầy một xe GMC thương binh. Đại đội tôi bị thương tám binh sĩ và một chuẩn uý mới ra trường bị thương vào đầu gối. Từ hôm 24 đến giờ chỉ toàn bị thương. Không có ai chết. Hên quá.

Ngày 28 tháng 4
Trung tâm hành quân cho biết là khu ngã ba Vựa heo, tức phía sau lưng, bị Việt cộng đóng chốt. Nên tiểu đoàn 1/50 được lệnh quay trở ra đánh giải toả. Có nghĩa là chúng tôi sẽ nằm trong tình trạng khó khăn hơn với mục tiêu phía trước, địch nằm sau lưng. Rồi khi tiểu đoàn đó ra tới thì nghe trong tần số hành quân những chuyện buồn ngoài dự đoán. Tiểu đoàn trưởng nhận toàn những tin không vui, ông than thở: chúng nó đánh giặc như c...Thấy tình hình mà tao muốn tự tử quá. Pháo bắt đầu nặng hơn. Lúc lội qua một con kinh đào, đại uý Phong tiểu đoàn phó đang đứng trên bờ la hét thì bị một trái 130 li nổ bên bờ kia, hơi ép rơi cái ầm xuống kinh. Mấy thằng em vội vàng nhảy xuống lôi lên. Nghĩ lúc đó tưởng cha này thế nào cũng khó nuôi rồi. Té ra vẫn ngoác miệng nà nà nắm nắm. Ông thần này nói ngọng hết biết. Nờ thành lờ, lờ thành nờ. Nghe là thấy buồn cười. Mà cả đám lúc đó cười thiệt.Hình như tới một giới hạn nào. Chuyện sống chết đều coi thường. Cứ cười giỡn như không. Dù rằng có lúc cả đám mặt dài ra như mặt ngựa.
Vẫn còn chiếc Tinh Long C119 bao vùng bắn yểm trợ. Nhưng đột nhiên, khoảng 9 giờ tối, khi chiếc này đang chăm chỉ bắn thì cả một rừng đạn phòng không bắn lên nổ như sao trên trời. Đến lúc đó chúng tôi mới biết là Bắc quân đã ở đầy quanh Đức Huệ. Chắc phải vài chục khẩu phòng không bắn lên chứ không ít. Giờ này mới ló mặt ra, chắc để dằn mặt thị uy. Khoảng 11 giờ đêm, nghe tiếng xe tăng từ phía bờ sông Vàm Cò Đông khoàng cách hơn cây số đường chim bay. Tụi nó qua sông. Xe tăng mở đèn sáng choang như ban ngày không chút e dè. Mẹ! Đất nước mình mà nó chạy rần rần coi mình như pha. Tất cả chuẩn bị M72, XM202 lựu đạn. chuẩn bị tử chiến. Nhưng cuối cùng bọn nó chuyển hướng không đi ngay mình mà đi về Đức Huệ.
Lầm lủi trong đêm. Chúng tôi quay ngược trở ra để giải cứu cho bộ tham mưu chi khu Trảng Bàng. Pháo bên địch cứ bắn 3 trái nổ thì lại bắn 1 trái sáng, suốt cả mấy tiếng đồng hồ liền, chắc để họ quan sát xem bên trong có di tản không.. Lúc trung đội thám báo đang cắt dây kẽm gai để bên trong có đường ra. Bên trong pháo binh của mình bắn trực xạ ra hai trái. May mà không có ai bị thương. Khi trước đó đã liên lạc rất chặt chẽ rồi. Chẳng hiểu bên trong họ làm cái gì.

Ngàỳ 29 tháng 4
Kéo quân vào trú trong Tha La xóm đạo. Tới giờ thì đã hoàn toàn mất liên lạc với những đơn vị chung quanh, kể cả trung tâm hành quân. Kệ, cứ kéo vào quán uống cà phê cái đã. Tha La cảnh đẹp thật, vào đó mát rượi với những khóm Trúc hai bên con đường làng. Hèn chi được Dzũng Chinh đưa vào nhạc.
Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng dự tính sẽ đặt mìn giật sập cây cầu từ ngoài bưng vào Tha La, để bộ binh và tăng của Bắc quân không vào theo ngã này được. Nhưng sau thấy chỉ thiệt hại cho xã và dân. Nên thôi.
Chợp mắt được hơn tiếng đồng hồ sau mấy ngày không ngủ. Sẽ di chuyển đêm để về Hóc Môn lập phòng tuyến cuối cùng
Điều đáng nói là khi đơn vị triệt thoái. Ngoảnh nhìn lại lần chót ráng chiều tuyệt đẹp khắp tàng cây cọng cỏ, trên những rặng Trúc vàng khắp Tha La. Phía ngoài xa kia, nơi đầu cầu bìa làng. Tôi thấy trong đồn nghĩa quân, người lính vẫn ngồi trên vọng gác. Và tôi biết chắc rằng, anh hẳn đã nghe tường tận những gì diễn biến qua đài phát thanh Sài Gòn mấy ngày nay.
Đó là hình ảnh cô đơn, lẻ loi nhất, nhưng cũng đầy ấn tượng bi hùng nhất mà tôi không bao giờ quên được. Đó chính là những gì mà người ta hay nói về. Đó là Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm.

Ngày 30 tháng 4
Đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4. Toàn đơn vị di chuyển về hướng Hóc Môn, ngoại ô Sài Gòn với mục đích lập một phòng tuyến tử thủ, cho dù liên lạc vô tuyến với trung tâm hành quân và các đơn vị bạn không còn nữa. Đâu khoảng xế trưa mở radio nghe Trịnh Công Sơn hát Nối vòng tay lớn mà không khỏi chửi thề. Cả tiểu đoàn đi âm thầm dọc theo bưng Thái Mỹ,sau này nghe nói có tên là nông trường Lê Minh Xuân. Anh và một số sĩ quan mà tôi không rõ đơn vị đi theo đại đội chúng tôi. Đến ba giờ chiều thì chạm địch. Anh bị đạn trúng ngực. Biết là không thể sống được trong tình trạng tuyệt vọng đó, anh nói tôi giữ cái bóp giấy tờ để đưa lại cho vợ của anh. Tôi đã nợ anh một lời hứa và xin anh tha lỗi. Vì đến cuối ngày khi tôi bị bắt thì tất cả những đồ đạc giấy tờ cá nhân, áo trận có cấp bậc của mọi người bị lột xuống chất thành đống và họ đã đốt tất cả. Tất nhiên cái bóp giấy tờ của anh cũng chung số phận. Tôi không quen anh để biết nhà hầu sau này có thể tìm kiếm. Chỉ biết anh là đại úy Lê văn Cang (hay Can ??) trưởng ban 3 Hành quân của quận Trảng Bàng. Xin lỗi chị Cang rất nhiều. Cũng không biết chị có còn sống sót qua cơn binh lửa đó hay không. Ngày ra tù tôi cũng cố gắng hỏi thăm, nhưng biết đâu mà tìm trong thời điểm đó. Thôi, nếu chị còn sống và nếu tình cờ đọc note này, thời gian qua đi tôi nghĩ những đau đớn cũng đã phai nhạt, nhưng nếu chị rơi nước mắt nhớ anh, thì cũng an ủi là trong giờ phút cuối cùng anh Cang vẫn nhớ đến chị và các con: “anh đưa giùm cho vợ tôi, nói là tôi yêu bả”.
Đại đội tôi trong thời điểm cuối này nhiều người đã bị thương rất nặng, tôi không nghĩ họ sẽ được chữa trị và sống sót. Những thương binh đang điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hoà còn bị đuổi ra ngoài, huống hồ những kẻ bị thương ngay tại trận địa. Xem ra tôi đã mắc nợ và có lỗi với rất nhiều người.
Còn về thiếu tá tiểu đoàn trưởng. Ông đã không vào cùng chỗ với chúng tôi, mà băng trong lau sây của bưng Thái Mỹ về nhà gần Sài Gòn. Đó là một quyết định khôn ngoan. Ông quá nhiều chiến công. Bắt được ông, điều chắc chắn đó là cái chết.

Ngày đó 2 tháng 5.
Tôi và những người bạn sĩ quan bị bắt vào giờ thứ 25, đêm 30-4 tập trung tại một trường học. Trưa ngày 1 tháng 5 được ra gặp em. Em mắt khóc tiều tuỵ, đứng cách nhau hàng rào kẽm gai. Mất nước rồi anh ơi. Câu nói lập đi lập lại của em ngập với chan hoà nước mắt được đứng với nhau 15 phút ngắn ngủi, chẳng nói được với nhau thêm điều gì. Cuối tháng chưa có lương, chỉ có đúng mười ngàn đưa cho em vì biết chắc rằng sẽ chẳng có gì để mua bằng tiền của miền Nam Việt Nam được nữa.
Sáng 2 tháng 5 . Bị dẫn đi về hướng bờ sông Vàm Cỏ Đông. Không biết sẽ đi đâu, chúng dẫn đi dọc theo thị xã, vẫn có người dân chạy theo dấm dúi cho chúng tôi chiếc áo, đôi dép, mặc cho đám vệ binh hầm hừ quát tháo. Nhớ hoài cô bé mặc chiếc áo sơ mi còn huy hiệu của trường trung học, chạy theo đưa cho tôi chiếc bánh tét và đôi dép, nước mắt đầm đìa: Anh ơi, mất nước rồi. Y hệt như câu em của tôi hay nói.
Cuối cùng sau hơn nửa tháng đi bộ, băng qua những xóm làng giáp biên giới bị Việt Cộng chiếm từ 72. Những đứa trẻ ốm gầy khẳng khiu, quần áo tả tơi nhưng vẫn chạy theo đám tù binh ném đá và chửi: Tù binh ngoan cố. Chúng tôi tới một trại tù nằm bên kia biên giới Miên, giáp Phước Long. Trại tù đầu tiên của nhiều lần chuyển trại tù sau đó. Trại Nước ngập. Cái tên nghe nhiều khủng bố đe doạ. Bước vào trại, kinh hoàng thêm khi nhìn thấy những thân hình gầy guộc,với những khuôn mặt xanh xao như ma đói, không còn chút sinh khí nằm trên chõng tre, sâu dưới tàn lá của cây rừng rậm rạp, mà tia nắng mặt trời không qua lọt. Nơi đây đã giam giữ những người tù binh trong chiến tranh.
Tôi và em. Đến khi gặp lại nhau lần đầu tiên khi được thăm của tháng 8 năm 1977. Mới biết rằng trong buổi sáng ngày tháng 5 tang thương đó. Em đã chạy theo tôi băng đồng, qua suối, qua những trảng ruộng khô nắng bốc khói của ngày tháng 5 để mong được nhìn thấy chồng lần cuối. Vì biết đâu sẽ không bao giờ thấy nhau lần nữa.
Thương em như câu hát: ơn em thơ dại từ trời, thơ dại từ trời, từ trời theo ta, theo ta từ trời. Xuống biển lượm đời, lượm đời ta lên ...
Và phần thứ hai, xin các bạn đọc những cảm xúc, ý nghĩ của em tôi ngày ấy. Trong binh biến tao loạn mà chạy từ Sài Gòn xuống kiếm chồng bất kể chết. Và tôi chắc chắn rằng trong thời gian đó. Cũng có trăm ngàn người vợ lính cơm nắm cơm gói, không quản thân mình cam go cùng khổ để kiếm cho ra người chồng lính của mình dù rằng chỉ còn là một thân xác rữa nát.

N.K.V