Sunday, September 23, 2012

tháng tư hồi tưởng

phạm ngũ yên

1.

Tôi ngồi trong một quán cà phê mới, nơi góc đường Lavaca và đường số 2. Quán nằm trong khu vực City Hall. Mùa xuân đang chảy những dòng nắng như mật trên đường. Những tòa buynh đinh vuông vứt màu gạch nhìn xuống mặt lộ phẳng phiu. Hàng đoàn xe lợi dụng ngày cuối tuần đậu chật kín khu đậu xe có đặt đồng hồ tình tiền. Vài đôi tình nhân đi tản bộ dưới hàng anh đào non không còn ra hoa. Trong một cửa hàng bán quần áo đặc biệt, những người mẫu bằng thạch cao trắng muốt khép nép nhìn ra những bước chân xô giạt trên dòng đời. Mọi thứ, dù không ồn ào, nhưng rực rỡ. Mọi thứ đã như một ngọn lửa, cháy liều lĩnh trong lòng người đàn ông già, mới ngày nào còn thản nhiên giác đấu với mọi nghịch cảnh. Nhưng nay đã nghe thắm mệt, rã rời.

Không ít lâu nửa chiều sẽ xuống. Phố xá sẽ châm đèn. Chiếc quán tôi đang ngồi cũng vừa mở công tắc để những chụp đèn sáng lên. Mới tuần rồi, hơi lạnh còn làm co ro những khách bộ hành, cùng ly cà phê sớm nguội vội vàng trên môi. Ðôi mắt sẽ long lanh tình tứ hơn khi nàng cười và như vậy ngày đã cuốn theo những niềm riêng không thể nói lên thành lời.

Có những điều không làm sao hiểu được nếu họ không nói ra. Nhưng hạnh phúc không phải vì vậy mà tan biến trong buổi chiều nay. Khung cảnh tình tứ đến nỗi tôi quên uống phần cà phê của mình. Còn nàng, giống như một con chim sẻ đang mải mê nhìn người qua lại. Mái tóc không còn rối bời bởi gió giờ được vén cao sau gáy, để lộ ngấn cổ trắng và bờ vai phiêu hốt. Chiếc rubent màu vàng chanh trên đầu. Mọi thứ dường như chỉ làm tăng thêm sự quyến rũ của nàng. Có một thời nàng hồn nhiên như chim, và tôi giống như cây đứng bên đường nhìn nàng đi qua vậy. Tôi có phải là giấc mơ trong lòng nàng hay không, tôi không biết.

Tôi yêu nàng, sâu đậm. Tháng tư có hoa bluebonnet nở rộ hai bên đường xa lộ. Nhưng ở Downtown thì hiếm hoi. Người ta đi dưới nắng như lá xanh. Xe cộ nối đuôi nhau vuợt qua từng stop signe. Buổi chiều yên ả như một dòng nhạc. Và tôi cảm giác được tiếng nói nàng trong veo như một giọt nắng. Cũng đôi lúc giọng nàng nũng nịu trìu mến theo một vài suy nghĩ mơ hồ. Ngày bình yên trôi qua như vậy. Tình yêu của tôi dành cho nàng cũng bình yên không dấu một chút nào bão tố.

Làm sao để một giấc mơ luôn thơm ngát mùi vị tuổi thơ khi tôi không còn thanh xuân. Làm sao để tình yêu không mất dấu nhau trong khi con đường chia hai và đôi lúc nàng muốn đi về nơi khác.

Một lần tôi nói tôi với nàng rằng tôi không thể để hình ảnh nàng ra ngoài trái tim tôi, dù bao nhiêu biển dâu vùi lấp. Nàng không tin. Niềm vui luôn chứa chan trong lòng nàng đến nổi nàng không hình dung ra cuộc đời này sẽ ra sao nếu không cùng có nhau bên cạnh. Nhiều buổi sáng tôi lái xe đi qua những ồn ào xuôi ngược, nhưng vẫn thấy phố xá lạnh lùng. Tôi nhớ dáng nàng bươn chải vượt lên một hành lang hẹp để đi vào tiệm nail ở miền South, nơi mà mỗi ngày nàng phải có mặt. Ðến đuôi tóc sau cổ nàng được cột bằng một sợi dây thun cho mát và những ngón chân trau chuốt nhiều màu son. Mỗi màu son là một nỗi niềm.

Mùa xuân đến và sẽ đi. Màu hoa Bluebonnet tím xanh cười cợt với gió. Trong hơi thở của thời gian khẻ khàng tôi nhớ lại một màu hoa cũng có màu như vậy. Tất cả đều xa rồi.

Những chuyện năm xưa cứ ùa về làm xúc động. Hôm nay chiều xuống trên thành phố tươi màu hạnh phúc, dù thời gian đang là tháng tư. Những cây tử đinh hương nằm ngỡ ngàng bên một thềm đường, tiếng chim cu đất rụng xuống như một lời ca sai nhịp. Trong lòng tôi đang chật chội một ngăn buồn.

Phía sau nhà Capitol, thấp thoáng rừng cây trùng điệp dẫn vào một vùng đồi. Nhà cửa mới cất mọc lên như nấm sau cơn mưa. Những bảng hiệu mời gọi cho mượn nợ cấm chênh vênh trên cỏ, ghi nhận một thời kinh tế vươn mình.

2.

Lúc nào cũng vậy, khi tiếng chim cu kêu từng hồi trước sân nhà, luôn gợi tôi nhớ lại thành phố cũ, một tháng tư rã rời. Ngày đó tôi vừa ba mươi mốt tuổi. Ngày đó tôi vừa đụng tới một oan nghiệt tưởng chừng như chỉ có trong truyền thuyết.

Có những lúc tôi không muốn nhớ vì ngại phải đụng tới một vết thương. Nhưng rồi tôi vẫn phải nhớ, giống như một người đi một mình với chiếc bóng đàng sau, nỗi nhớ va vào nhau sóng soài. Cùng với tiếng vòng xích xe tăng khô khốc làm trầy trụa mặt đường. Như đường cày trên thịt da con gái.

Ở một nơi nào đó, mưa bất chợt bay về. Ghé ngang qua thành phố biển của tôi. Ghé ngang qua những lầu cao đang giăng đầy biểu ngữ. Màu đỏ nhức nhối phô trương hết mọi kiêu căng, hợm hỉnh. Người ta chỉ có thể biết rõ một chế độ, một khi phải đối diện và sống trong chế độ đó. Mưới sáu năm dài tôi sống trong lòng Cộng sản, sau khi miền Nam hoàn toàn sụp đổ. Từ năm 1975 đến 1991. Biết nói thế nào là ngắn ngủi hay đầy đủ về một bất hạnh? Về những đau thương chín đỏ trên nhánh cây sầu.

Ba mươi mốt tuổi tôi mới vừa trưởng thành và mới vừa nếm thử men ruợu sống. Nhưng oan nghiệt đã xối xả rụng xuống. Tôi mới vừa giải ngũ về. Mười năm lính tráng chưa kịp bạc màu áo treilli và môi vẫn chưa khô vì nắng gió. Nhưng trong một nghĩa nào đó, con sói đã rưng rưng thiếu vắng một góc rừng.

Buổi sáng ngày 30 tháng tư năm 1975, từ ngả ba Tam Hiệp tôi cùng đám đông đi bộ về Sàigòn. Vừa đi tôi vừa quan sát cảnh vật hai bên xa lộ. Nắng không chói chan nhưng vẫn đủ làm cho mọi người mệt mõi. Từ sáng sớm, đoàn người đã lũ lượt lên đường, bỏ lại những nhà cửa cơ ngơi, những ruộng vườn, hi vọng một thời gian sau sẽ về lại. Người đi như lá xanh và kéo dài như một con rắn khổng lồ không nhìn thấy đuôi. Vài đoạn cầu bị tắt nghẽn vì sụp đổ đêm qua, khiến cho chuyến đi càng dài thêm trên thời gian mênh mông. Các cơ quan thiện nguyện của chính phủ Cộng Hòa cho người phân phát nước uống và thực phẫm khô đến mọi người để hóa giải phần nào nỗi cơ cực dọc đường.

Tâm hồn tôi ráo hoảnh một góc đời. Không cảm nhận được vui hay buồn trong lúc này. Chỉ có một sự trống vắng vì vừa mất một khung cảnh quen thuộc. Những năm tháng buồn vui trong đời quân ngũ. Những gác trọ và những mối tình qua đường.

Mới tháng rồi tôi còn ở Ðà lạt với gia đình người bạn thân. Sương mù buổi sáng bay qua cừa sổ nhìn ra vườn. Sương mù cũng bay cả vào chiếu chăn để ủ vào lòng tôi những thanh xuân mới mẻ. Tôi yêu một đời sống sẽ không còn vướng bận vì quân vụ. Mỗi ngày sẽ không còn nghe tiếng kẻng gọi tập hợp và quần áo chỉnh tề. Sẽ không còn bận tâm vì phiên trực trong hầm lô cốt, bên cạnh những bạn bè đồng ngũ. Giấc ngủ sẽ không bị ngắt quảng nhiều lần trong đêm vì tiếng đạn bắn đi từ vùng địch. Mọi thứ, có vẽ như lùi xa. Tình yêu cũng vậy.

Khi tôi giải ngũ về, tôi không kịp từ giả một ai trong số những người con gái tôi quen biết. Không chắc họ còn nhớ đến tôi.

Tôi có đi trở lại vài con đường ngày xưa tôi đã có lần cùng đi với họ. Có một vài cảnh vật làm tôi thổn thức và buồn rầu. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi sẽ vượt qua. Không phải mọi tình yêu đều chóng tan như bong bóng xà phòng. Cũng không phải vì ngăn sông cách núi. Nhưng bởi vì có nhiều điều mới mẻ đang đâm chồi trong trái tim mà lý trí không thể đụng tới. Tôi nghĩ tôi có thể làm lại từ đầu và bắt đầu bằng con số không.

Những người đàn bà đi qua đời một người đàn ông đều không thích để lại dấu vết. Nhưng làm sao xóa được hết những buồn đau đang nép vào nhau như lá? Giống như mọi cơn địa chấn, luôn để lại những thiệt hại nơi nào trên mặt đất khi nó vừa đi qua.

Một vài quán cà phê quen tôi vào ngồi để hình dung một cuộc tình phờ phạc. Trong đó có tôi và nàng đang giẫy giụa và mắc cạn trong ao đời hạn hẹp. Trong đó tôi và nàng vừa trao hôn nhưng đã nghe thấp thoáng lời phân ly. Trên phố xá rưng rưng những đèn khuya bên ngoài, có vì sao nào là đôi mắt nhìn tôi như khóc?

3.

Ðoàn người di tản đi đến khu vực Xi Măng Hà Tiên thì nghe tin Dương Văn Minh kêu gọi đầu hàng. Lúc đó khoảng 10 giờ sáng ngày 30 tháng 4. Mọi người bàng hoàng và ngơ ngác tưởng mình nghe lầm. Tin tức lập lại nhiều lần trên máy phát thanh do một vài người di tản mang theo. Ðám đông đều khựng lại không tiến về phía trước. Có nơi nào để dừng lại trong khi dòng sông đục ngầu phù sa chảy mãi ra biển lớn kinh hoàng? Nó đang ngấu nghiến trong lòng nó những xác lá thoi thóp vì mơ ước đang tàn. Sàigòn không còn là nơi định cư cuối cùng thì nơi nào cũng vậy thôi. Một vài gia đình tan hàng và tìm cách quay trở lại. Một vài nhóm thì tấp vào dọc xa lộ, nơi có nhà cửa dân cư đông đúc để nghe ngóng tình hình.

Khoảng giữa trưa, có tiếng xe chạy rầm rì ngoài xa lộ. Mọi người đứng xem hai bên đường. Những chiếc xe có tên là Morotola chở bộ đội chạy vào thành phố. Những chiếc T. 54 ngụy trang lá cây rừng và súng ống hòm sẳn chờ đợi bất trắc. Những vòng xích hung bạo đầy đất đỏ xô nghiến mặt đường thơ dại. Tất cả đều xuất xứ từ Liên Xô, Trung Cộng, Tiệp Khắc. Chỉ có con người ngồi trên đó là Việt Nam. Họ vừa ngơ ngác, vừa ngạo nghễ nhìn xuống đám đông bên đường, lúc này bỗng lác đác vài người mang băng đỏ trên tay... Họ hiện ra không biết từ lúc nào, lạ lùng và đột ngột như từ dưới đất chui lên.

Tôi sững sờ và gần như không muốn tin vào những gì mình thấy. Sàigòn im ắng phía xa. Không một dáng vẻ gì là Sàigòn đang đổi chủ. Những cột khói từ vài nhà máy lơ đảng bay lên trời. Như khói thuốc. Tôi quyết định đón xe lam chạy về Sàigòn...

Ðêm đó, tôi ngủ ở Bàn Cờ. Căn nhà chìm sâu trong con đường Nguyễn Thiện Thuật nhìn ra quán cà phê Năm Dưỡng.

Ðêm thao thức một mình, trong căn nhà của Nguyễn Hải Ðông, người bạn ngày xưa đã từng cho tôi ở trọ. Ðông kẹt ở Cần Thơ chưa về kịp. Nhà chỉ còn bà cụ và hai cô em gái của Ðông. Tôi ngủ trên gác lừng. Trên gác ngoài cùng có một lan can bàng gỗ rộng đủ kê vừa một chiếc ghế bố nhà binh. Tôi ngủ trên đó. Gió thổi trên nóc mùng nhà binh như xua đuổi mộng mị. Gió cũng xô giạt trên mái tôn. Gần sáng, tôi trèo xuống sau khi đánh răng rửa mặt, tôi nói với bà cụ tôi xuống đường uống cà phê và nghe ngóng tin tức.

Quán đông khách dù chỉ mới ba giờ sáng. Người ta nhìn thấy trong mắt nhau những băn khoăn rối bời. Âm vọng của lời nói chìm thấp hơn mọi lần. Ngoại trừ tiếng kêu gọi pha chế của gã bồi bàn vọng vào trong bếp còn nghe rõ ràng. Tiếng động hè phố hình như cũng lắng xuống. Lâu lâu có vài chiếc xe chạy qua, chiếc ống bô ho khan để lại vài bụm khói màu tro tức tửi.

Có thể đó là lần cuối tôi uống cà phê ở quán Năm Dưỡng. Những ly cà phê sau này tôi uống nhiều nơi khác nhau trong suốt mười sáu năm, nhưng tôi sẽ nhớ vô cùng cái hương vị ngầy ngật, tan hoang sau một cuộc đổi đời. Nó không giống cái hương vị riêng tư của một quán cà phê hàng đầu của Sàigòn về sáng. Nó trộn lẫn một chút chua xót của ngày và một chút ngọt ngào của đêm. Nó cũng vừa có chung chất kích thích của đau khổ hôm nay và ngày mai hi vọng. Ðể cuối cùng vĩnh viển rơi xuống đáy ly niềm tuyệt vọng của 75 triệu con người.

4.

Nguyễn Hải Ðông chết trên đường vượt biên sau này. Ngày còn là học sinh trường Pétrus Ký và sau này là sinh viên Ðại Học Vạn Hạnh, Ðông luôn yêu mến tôi. Tôi cũng yêu mến Ðông, dù tuổi tác chênh lệch chút đỉnh. Tôi có những ngày tháng tuyệt vời trong gia đình Ðông, khi tôi từ Ðà Lạt về phép Sàigòn. Lúc đó bà cụ đang mở tiệm giặt ủi mang tên Như Ý. Dưới ngọn đèn néon 6 tấc những bửa cơm thân tình được nấu nướng theo lối Bắc- (vì bà cụ là dân Bắc Kỳ di cư)- Thu và Cúc xới cơm cho tôi. Những câu chuyện mở ra trong tiếng cười khúc khích của hai cô gái. Những truyện ngắn tôi viết đăng báo Sàigòn cũng dưới ánh đèn này. Tôi không biết một trong hai cô gái người nào dành cho tôi cảm tình nhiều hơn, nhưng tôi sẽ ân hận nếu không viết ra điều này.

Ngày đó tôi còn trẻ trung để không nghĩ đến chuyện ràng buộc một bến đời. Sự thuyên chuyển đơn vị thường xuyên cũng là một phần làm tôi ngại ngần bộc lộ tình cảm- một phần khác tôi coi Thu và Cúc giống như em gái của tôi. Ngày đó tôi cũng không nghĩ đến chuyện lập gia đình về sống ở Sàigòn. Tôi thích cái không khi khoáng đạt của cao nguyên và núi rừng. Không thích bụi bậm.

Tình yêu có những điều huyễn hoặc và kỳ lạ. Nhiều lúc như mưa bão, nhiều lúc tạnh khô. Những người tình đi qua lòng tôi một sớm mai sẽ ủ chật mù sương và mưa bụi. Tôi san sẽ lòng tôi với lá xanh và hồn hoa đậu xuống. Tôi chỉ yêu Sàigòn thật nhiều khi đã không còn Sài Gòn trong đời.

Năm 1991 tôi có giấy tờ định cư tại Hoa Kỳ, tôi có ghé lại thăm và từ giả bà cụ mẹ của Ðông và hai cô gái. Mười mấy năm rồi tôi không trở lại khu Bàn Cờ. Cho nên mọi hình ảnh cũ không còn trong trí nhớ. Bà cụ đã già, nhưng còn mạnh khỏe. Căn nhà mang tên Như Ý như một định mệnh, đã không còn là tiệm giặt ủi. Nguyễn Hải Ðông vượt biên mà gia đình không biết tin tức. Bà cụ cầu khấn, tìm đến mọi thầy bói, mọi cô đồng để mong biết tin tức con trai mà không toại nguyện. Hai cô con gái lấy chồng, nhưng hình như không hạnh phúc như lòng mong ước của mẹ. Một gia đình có những con người phúc hậu, cuối cùng vẫn không tìm thấy hạnh phúc vừa ý.

5.

Tháng tư có mưa nhiều nơi thành phố tôi đang ở. Thường nhằm vào ngày cuối tuần. Việt Nam cũng thường có mưa những ngày tháng tư. Khi những vòng xích T.54 xô nghiến mặt đường xa lộ Biên Hòa và có một chiếc khác lầm lũi chạy qua cửa sắt Dinh Ðộc Lập, thì hình như trời cũng đổ mưa. Không nhiều lắm, nhưng cũng đủ làm ướt át những tâm hồn thơ dại. Những người đàn ông, như chúng tôi, đành rằng phải bầm vập sau một cuộc đổi đời- vì chúng tôi gia nhập vào cuộc chơi có kẻ thắng người bại- nhưng còn những cô gái căng chật một hồn hoa cũng cùng một số phận thì sao? Như Thu, Cúc, như các em tôi. Và những người đàn bà khác?

Bao nhiêu tháng tư trôi qua trên Việt Nam mà mỗi cơn mưa buồn như nước mắt. Ðừng hỏi tại sao cho đến giờ phút nầy, những người đàn ông tị nạn già như chúng tôi, dù đang sống bình an trên đất nước Tự Do mà vẫn còn căm thù cộng sản.

Khi miền Nam sụp đỗ, chúng tôi mới vừa 30, 31 tuổi. Khi chúng tôi rời VN thì đã gần 50. Mấy chục năm thanh xuân kia bị đánh mất vô lý ai trả lại cho chúng tôi?

Còn nữa. Khi Cộng sản chưa chiếm miền Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu của Ðông Nam Á. Bây giờ sau một cuộc đổi đời, Việt Nam trở thành một nước nghèo đói ô nhục nhất trên thế giới, ngang với Bắc triếu Tiên và Cu Ba. Hình ảnh phi nhân mới đây trong phiên tòa xử Linh Mục Nguyễn Văn Lý đã nói lên sự thật là Việt Nam đang có những kẻ cầm quyền muốn kéo lùi nền văn minh mà Việt Nam đã từng có, trở lại thời kỳ bộ lạc. Nỗi nhục chia đều cho mấy chục triệu con người lam lũ. Ngoại trừ cán bộ đảng viên. Làm sao để quên và xóa nhòa nỗi nhục đó? Chắc phải mất hàng chục năm...

Buổi chiều nay cuối tuần. Tôi không phải đi làm thêm giờ trong hãng nên có cả một ngày ngồi ghi lại những suy nghĩ của mình, trên chiếc laptop. Thời tiết có vẽ xấu trông thấy khi những cụm mây màu chì xuống thấp gần chạm mái nhà. Có một chút mưa bay trên đầu người qua đường và rét mướt đột ngột. Dự báo thời tiết sẽ có mưa tuyết giữa đêm và những cuộc vui trên đường số 6 sẽ bị hạn chế. Những cô gái vai trần sẽ choàng thêm chiếc áo lạnh hờ hững trên vai và màu son trên môi sẽ úa bầm vì lạnh?

Cuối một con đường, tiếng chuông nhà thờ vang lên tiếng chuông mùa Phục Sinh. Như tiếng cựa mình của một dòng sông. Ngày sẽ tàn khuất sau những ô cửa nơi các tòa buynh đinh. Tiếng chân mưa sóng soài trên mặt đường như trối trăn với đời một thuở xuân xanh vừa khép. Nàng đã đi qua hết một chặng đèn giao lộ, không nhìn lại. Và chổ ngồi lạnh một lời chim...

PNY

 

Saturday, September 15, 2012





ĐÁNH MẤT NHAU ĐỜI CÓ NGHĨA GÌ?
NHƯ LY











Tháng chín bàn giao phút đổi mùa
Ve ngừng tiếng hót giữa đêm qua
Hè phai cánh phượng hồng tàn úa
Dế nỉ non hoài điệp khúc xưa

Mặt biển thu phong gợn sóng buồn
Loang mầu tím phủ bóng hoàng hôn
Mây sa xuống quấn lưng đèo ngủ
Tiếng sáo trầm ngân xoáy buốt hồn

Hạnh phúc tan theo nắng cuối ngày
Dấu yêu nào vuột khỏi tầm tay
Trên da đã tẩm hương trầm ngải
Có cách trùng trùng vẫn ngất ngây

Chẳng thể lià xa, sao biệt ly?
Quất mình bằng những ngọn roi si
Hai phương giấu lửa lòng âm ỉ
Đánh mất nhau đời có nghiã gì

Wednesday, September 5, 2012



SÀI GÒN VÀ TÔI
N.C. M



Kính tặng Thầy Lê Văn Quang, thầy dạy môn Sử Địa thời T.H. đệ nhất cấp. 

Bất cứ ai đã ghé một lần thì luôn nhớ Sài Gòn, ai đã "sống" ở Sài Gòn khi ra đi đều mang theo Sài gòn trong tim,"sao dzậy hén", vì Sài gòn rất là ... Sài gòn...
Ngay khi đặt chân lên miền đất ngập nắng ấm này, cảm nhận đầu tiên là giọng nói của người Sài Gòn: ngọt, mềm mại, ấm và dịu dàng, còn hỏi tại sao có được những "tố chất" ấy tôi xin thua, bạn đọc có thể tìm câu trả lời ở những người viết "tầm cỡ", những nhà" nam bộ học" như các ông Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Vương Hồng Sển...
Khi còn là cậu học trò ở làng quê nghèo, Sài Gòn là nơi mà tôi mơ được đặt chân đến dù một lần cho... biết, trong trí tưởng khi nghe danh "hòn ngọc Viễn Đông", Thủ Đô nước Việt-Nam Cộng Hòa, Sài Thành hoa lệ. Nhưng điều làm tôi xôn xao mơ ước nhất là khi nghe bản nhạc Sài Gòn của nhạc sĩ Y Vân: "dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai, ngựa xe thấp thoáng muôn tà áo tung bay... phố xá nơi đây đón chân tôi đến chung vui ... Sài gòn đẹp lắm...Sài gòn ơi ...Sài gòn ơi..."
Lần đầu tiên tôi đã "có " Sài gòn như vậy, một chiều nắng mùa hè, nắng chưa phai và nóng rừng rực, một dòng xe cộ nườm nượp, cũng là lần đầu tôi thấy xe xích lô đạp, xích lô máy, những chiếc "tắc-xi" với 2 màu vàng và xanh ... khi chiếc xe hành khách tên Mai Tiến lăn bánh rời Hàng Xanh bon trên đường PéTrus Ký, tôi căng mắt để nhìn Sài Gòn.
Sau buổi chiều biết Sài Gòn ấy, nhờ lòng tốt của người thầy học cũ tôi được trọ học ở nhà thầy thuộc một giáo xứ vùng ngoại ô Sài Gòn.

Sài-Gòn có hàng trăm con đường, người ta hay nhắc tới những con đường khu trung tâm như Lê Lợi, Tự Do, Lê Thánh Tôn, Phạm Ngũ Lão … những con đường "đi" vào văn học được nhắc trong nhạc, thơ, tiểu thuyết như đường Nguyễn Du, Duy Tân, Lê Lợi... có khung cảnh thơ mộng giữa chốn phồn hoa, những con đường có tán me che mát quanh năm, lá me rụng rơi trên tóc những cô gái miền Nam mà giọng nói êm như gió thoảng, ngữ điệu "ngọt" và dịu dàng làm chết lòng con trai tứ xứ, bây giờ nữ sinh cũng mặc áo dài nhưng tôi thấy mất đi hay nói đúng hơn là "giảm chất thơ" trong tà áo dài, có lẽ do ngoại cảnh chi phối trong cái nhìn của tôi chăng, một thành phố nay với hơn tám triệu con người, hầu hết dùng xe gắn máy mà lại ưa chuộng xe "phân khối lớn", dáng xe thể thao cho hợp với thời đại, cứ tưởng tượng thì áo dài đâu có hợp với những Honda@, Dylan, dịu dàng cứ bị gọt đẽo bởi thời @.

Mà bây giờ tóc ngang vai cũng khó tìm, con người phải vật lộn trong đời sống "công nghiệp hóa" tất bật và căng thẳng, người ta vẫn làm đẹp,yêu cái đẹp và để chăm sóc mái tóc của thời khắc "xô bồ" là phải hy sinh, gọn nhẹ, đội cái "nồi cơm điện lên cho an toàn thì mái tóc dài ngắn ai thèm quan tâm, người ta bịt mặt như hiệp sĩ Zoro, thò 2 con mắt ai cũng dáng dấp "xì tin", một va quẹt nhỏ là sừng sộ quát nạt nhau rất là "phi văn hóa", Sài Gòn của tôi xưa không thế... cũng kẹt xe, cũng bao xóm "kênh nước đen" nhưng trong đối xử nhau vẫn rất ấm tình người, dân Nam bộ hay cười xòa và dễ thông cảm, tha thứ và hay kết bạn trong những lúc "hoàn cảnh"...
Nhưng con đường của riêng tôi nó quá đỗi thân thuộc dù tôi chỉ có vài năm ngắn ngủi được làm dân ngoại ô Sài Gòn, nó gói nhiều kỷ niệm và tôi càng quý nó hơn vì nay khi được thăm lại, như một người bạn cố cựu sau bao thăng trầm trong cuộc sống vẫn còn thủy chung: đường đã không đổi tên ... tôi đi từ giáo xứ Hà Nội (An Nhơn, Gò Vấp ) con đường nhỏ tên Bắc Tiến, qua cái ngã tư hướng theo chùa Tiên Long, qua thành Quân Cụ, đến Thông Tây Hội rẽ trái ra Ngã Năm Chuồng Chó, đi dọc theo đường trước Tổng Y Viện Cộng Hòa gặp ngã ba Chú Ía, chạy thẳng một lèo đến ngã tư Phú Nhuận là bước vô con đường này, đi qua rạp cine Văn Cầm, sắp tới cầu Kiệu khi qua khỏi chợ Phú Nhuận, rồi gặp ngã 3 Tân Định, cứ thẳng hướng là tới cuối đường ... là trung tâm Thủ Đô... bạn đoán ra tên con đường này chưa?
Ngã Năm Gò Vấp là cuối tuyến xe buýt, băng qua đường lên xe "lam" về Xóm Mới, những năm Đệ Nhất tôi học chiều, khi có giờ học thêm về qua đây nghe ếch nhái kêu nhớ nhà lắm, năm đầu học trường Chân Phước Liêm Gò Vấp tôi đi xe đạp, khi đậu tú tài một ba tôi cho tiền mua một xe Velo Solex "mới bóc tem" loại 3800, mua trên đường Lê thánh Tôn. Nữ sinh Sài Gòn mặc áo dài đi xe Velo trông dịu dàng và đẹp, công chức nữ hay dùng xe "mô bi lét", cho đến cuối năm 1967 xe nhật ào ạt nhập vô, có loại xe tay ga cho nữ rất nhẹ và cũng thanh lịch là xe honda PC 50...
Người Sài Gòn hiền hòa, vui tính, dễ gần, một công chức, một quân nhân lương đủ "nuôi" gia đình, có lẽ vì vậy nên ít "hoàn-cảnh" và ít "tiêu cực"...

Nếu hỏi sẽ nhớ nhất cái gì khi xa Sài Gòn khó nói lắm vì Sài Gòn có nhiều "cái" rất dễ thương rất làm cho mình nhớ, nếu có chút "tâm hồn ăn uống" sẽ nhớ phở Quyền Phú Nhuận, rồi bò viên khu Tân Định, mê chè thì nhớ tiệm chè Hiển Khánh khu Đakao, hồi ấy tôi và anh bạn tập "mê" nhạc tiền chiến hay lên quán ông "râu kẽm" vùng Ông Tạ (khu Bảy Hiền ) có giàn Akai và những băng nhạc tiền chiến nghe nao lòng, đặc biệt quán có bán lẻ tất cả các loại thuốc lá trứ danh của Ăng-Lê như ba số năm hộp thiếc tròn loại không đầu lọc, vì khách đến quán thường là học sinh, sinh viên nghèo nhưng mang tâm hồn "nghệ sĩ" mà xét cho kỹ túi thường ít tiền... Tôi và bạn bè cũng hay ghé cà phê Thu Hương gần nhà thờ Tân Định, quán này lịch sự và chiều khách, không phân biệt "giai cấp", tôi cũng không bao giờ quên được quán Thăng Long (Xóm Mới) có món đá chanh "bí truyền", sau này có đi uống nước chanh đá bất cứ đâu tôi không bao giờ quên được ly đá chanh của quán này, thầy Quang hay đãi chúng tôi khi ông lãnh lương của hãng RMK- BRJ ,môt tháng 2 kỳ lương nên tôi hay được thầy cho ghé quán này...
Tôi cũng nhớ món nghêu hấp ở đường Nguyễn Tri Phương mà người bạn hay "bao" tôi (anh bạn này cùng tên với tôi và đã ra đi từ tháng tư bảy lăm nếu có đọc được những dòng này chắc anh nhớ tôi vẫn "nợ"những bữa ăn nghêu ngày xưa), rồi những xe hoành thánh mì ở khu Tân Định ăn một tô chưa bao giờ đã thèm. Về ăn uống thời đi học vậy là "sang cả" rồi vì học trò làm gì có tiền, làm gì dư giả, cho tới khi vào quân đội, mỗi lần có phép về Sài Gòn bao giờ tôi cũng tìm lại "quán cũ tình xưa", ăn, uống chỉ như cái cớ... còn ngồi tĩnh lặng lòng "hoài cổ" là nhiều.. (Tất nhiên tôi không dám tham lam để đụng tới đề tài "ẩm thực Sài Gòn") bởi nơi đây đã từng là thủ đô của Việt Nam tự do, kết tụ văn hóa ba "kỳ",ngay phở Bắc, mì Quảng, hủ tiếu Mỹ Tho người ta có thể viết thành một cuốn sách về món ngon ba miền rồi, tôi là cậu học trò chân quê mới bước lên thủ đô, chỉ có những "góc" nhìn nhỏ bé nhưng coi là của riêng mình, chỉ một chút trải lòng trong cái nhớ, trong "hoài niệm", chân bước lại vào phố xưa quá đỗi xô bồ nhộn nhịp nhưng lòng thấy lạc lõng, trơ trọi ... đã có một câu nói về con người "phố" thời @ tôi nghe mà buồn khôn tả : Thạch Sanh thì ít, Lý Thông lại nhiều... có phải vì sự giàu có đi lên từ một nền kinh tế "ba rọi", có phải vì từ các cháu bé con khi tới lớp mẫu giáo đã được dạy làm "cờ đỏ",được dạy "phát biểu"và "giơ tay đối phó"với những "đoàn thanh tra", nghĩa là được dạy NÓI DỐI khi bắt đầu HỌC NHÂN CÁCH ... xã hội rồi sẽ như thế nào khi có rừng tre được lớn lên từ những búp măng như thế? Chuyện nhân cách, sự tự trọng giữa thời buổi "đồng tiền là sức mạnh", nhân nghĩa bị coi là gàn, là dở hơi thậm chí còn bị coi là stupid... Và còn buồn hơn khi báo chí, thông tấn hỏi các "quan", được các quan trả lời thẳng thừng và trơ trẽn: anh chỉ cho tôi xem ở đâu không có tham nhũng, ở đâu không có tệ nạn , ôi làm lãnh đạo mà trả lời như thế , một cách trả lời để vẽ đường cho hươu chạy ,thử hỏi THƯỢNG có BẤT CHÁNH hay không, lãnh đạo mà vô cảm trước tội ác với dân thì ai trị nhỉ ?
Cũng có những hôm trời mưa dầm, những giờ nghỉ học "bất thường" vì thầy dạy một môn bị bệnh, tôi hay "vù" ra công viên Tao Đàn, ngồi ngắm mưa ... nhớ nhà, mua vài điếu Pallmall lẻ và tập làm thi-sĩ...
Tôi cũng thường coi phim rạp Vĩnh Lợi, rạp này thường chiếu phim Pháp ,Ý giá vé hợp với túi tiền học trò còn Eden và Rex chỉ khi có những phim mới và hấp dẫn lắm mới dám xem vì giá vé rất cao, tôi cũng không quên rạp xi nê Văn Cầm trên đường Võ Di Nguy Phú Nhuận, rạp Kinh Thành trên Tân Định, rạp Casino Đakao các rạp này thuộc hạng bình dân hợp túi tiền học trò.
Sài Gòn có một thứ tôi luôn thèm và nhớ là "chợ" sách vỉa hè, khu dọc rạp xi-nê Vĩnh Lợi vì ở khu trung tâm nên sách cũ mà hơi cao giá hơn chỗ khác bù lại hầu như rất phong phú cho sự chọn lựa, chợ sách thứ hai mà tôi hay ghé là vỉa hè trước nhà thờ Tân Định trên con đường "chung thủy" của tôi : đường Hai Bà Trưng.
Nhà thơ Nguyên Sa có một câu thơ mà ai qua thời làm học trò cũng thuộc: “nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông ... “bây giờ người đẹp Sài gòn ít ai mặc áo dài, thì làm sao thấy cái dáng "áo lụa Hà Đông", dù cho có bao thăng trầm, bao cảnh bể dâu nhưng Sài gòn của thời xưa ấy vẫn nguyên vẹn trong tôi.
Đi Tìm Lại Người Sài Gòn giữa Sài Thành hoa lệ:
Nghe qua câu này có vẻ tôi là tên "phân biệt chủng tộc" nhưng đáng buồn thay, những người Sài Gòn như "ẩn" đâu hết , trong khu trung tâm vắng họ nhiều, thay vào đó là sự hiện hữu của người "Sài gòn mới", âm nói nghe sắc lạnh dù đon đả chào mời, họ "nhầm" khi chào hỏi tôi bằng tiếng Anh, cũng may là tôi còn nói được vài câu tiếng Anh xã giao rồi "biến" cho lẹ vì sợ sẽ nghe "tiếng Đức" và sẽ bị "đốt phong long" vì không mua hàng, họ "nhầm" khi thấy tôi mặc bộ hoa ngụy trang, đội cái nón đi rừng hàng quân đội Mỹ chánh hiệu, lại còn đeo kính Rayban, chiếc máy ảnh Canon G7 đeo lủng lẳng trước ngực nên tưởng tôi là du khách Thái Lan, tôi cảm thấy buồn và tự nhiên nhớ câu thơ trong bài thơ Ông Đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên :
“những người muôn năm cũ
hồn ở đâu bây giờ…”

Bây giờ đầu tháng tư, những người Sài Gòn sẽ rất nhớ khi họ không còn ở Sài gòn, nhớ cái nắng tháng tư, nhớ ly cà-phê đá góc phố, nhớ tiếng rao quà trong canh khuya, trong sáng sớm, và sẽ không quên được tháng tư mà họ bỏ phố ra đi...
Vẫn còn tiệm kem Bạch Đằng mà khi ngồi ở đây có thể nhìn ra 2 đường phố, cũng còn những người bán thuốc lá cho du khách với nhiều hiệu thuốc cho khách Âu, Mỹ, Á... Những shop bán đồ lưu niệm về cuộc chiến Việt Nam mà người mua có thể mua cái bếp hành quân nấu bằng xăng, cái la bàn trên trực thăng, những viên đạn đại liên 50 được bàn tay khéo léo của người thợ thủ công làm thành cái quẹt, những cái quẹt Zippo trên thân khắc nhiều địa danh của quê hương nghèo khó mãi vì chiến tranh, cuộc chiến qua rồi nhưng những người tham chiến thuở ấy có bao nỗi niềm... dẫu biết phải quên đi ... nhưng có qua rồi mới thấu... ngôn ngữ có khi bất lực trước những nỗi niềm này .
Mỗi người có một Sài Gòn riêng cho mình mà khó giải bày cho người khác, tôi cũng vậy, nhưng dù sao đi nữa tôi cũng rất yêu Sài Gòn.

Tháng Tư, năm hai ngàn mười

N.C.M